Trong 10 năm gần đây nhu cầu sử dụng gạo
chất lượng cao ngày một gia tăng. Theo một kết quả điều tra của Viện nghiên cứu
lúa tại Hà Nội và một số thành phố cấp tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương,
Hải Phòng… thì nhu cầu sử dụng gạo chất lượng cao chiếm trên 70% số lượng tiêu
thụ gạo hàng ngày. Tuy nhiên sản xuất gạo chất lượng cao ở khu vực các tỉnh
phía Bắc chưa có các vùng sản xuất tập trung lớn. Đáng kể hơn cả là vùng lúa
gạo chất lượng cao Điện Biên và vùng sản xuất lúa Tám Hải Hậu nhưng diện tích
còn rất khiêm tốn. Mặt khác sản xuất lúa của khu vực các tỉnh phía Bắc có hiệu
quả thấp do chi phí đầu vào lớn mà giá cả của đầu ra lại không cao.
Trong bối cảnh như vậy chủ trương của
Thanh Hoá xây dựng vùng 50.000ha lúa thâm canh, năng suất, chất lượng và hiệu
quả cao là một bước đi mang tính đột phá, giúp ổn định nền sản xuất lúa gạo tại
địa phương và tạo ra sản phẩm hàng hoá chất lượng cao cung cấp cho các thành
phố lớn.
Để chủ trương trở thành hiện thực thì
khâu giống lúa cần đi trước một bước và nên tập trung vào một số hướng cụ thể
sau đây:
- Xây dựng hệ thống đánh giá, thử nghiệm,
duy trì giống lúa thuần chất lượng cao trên cơ sở xác định rõ chủ sở hữu giống.
- Xây dựng hệ thống chọn tạo giống lúa
lai, làm thuần dòng bố mẹ, sản xuất hạt giống bố mẹ chất lượng cao trên cơ sở
chủ sở hữu giống.
- Xây dựng vùng sản xuất hạt giống lúa
thuần và hạt giống lúa lai chất lượng cao.
- Đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao kết quả
nghiên cứu về giống lúa thuần, dòng bố mẹ và các tổ hợp lúa lai mới có năng
suất và chất lượng cao.
Tài liệu đã được đăng tải tại Kỷ yếu Hội thảo khoa học năm 2010 của Sở KHCN Thanh Hóa