Chính phủ vừa ban hành Nghị định 76/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/7/2018, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ
doanh nghiệp (DN) có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư chuyển giao công nghệ. Đây được xem là động lực cho các DN phát triển công nghệ cho sản xuất,
nhất là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Theo Bộ Khoa học và Công
nghệ, giai đoạn 2006-2016, kết quả điều tra thực trạng chuyển giao công nghệ
tại Việt Nam đã diễn ra nhưng vẫn còn ở mức "chậm", chưa được như kỳ
vọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước. Cụ thể,
hoạt động của các DN Việt Nam về đổi mới, nghiên cứu và triển khai (R&D) ở
mức thấp, chỉ có khoảng hơn 5% DN có cơ sở R&D riêng, gần 7% DN đang triển
khai các hoạt động nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ, nhiều DN tiếp nhận công
nghệ nhưng không có cơ sở R&D. Điều này cho thấy gần 80% các DN Việt Nam
không có R&D hoặc không có các chiến lược tiếp cận công nghệ nên hoạt động
chuyển giao công nghệ của Việt Nam chưa mang lại hiệu quả rõ nét trong việc
nâng cao năng lực công nghệ cho các DN Việt Nam.
Với thực trạng trên, Nghị
định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/05/2018 đã quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN có
dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao
công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ. Cụ thể, để được hỗ trợ, DN phải đáp
ứng 3 điều kiện: Có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu
tư theo quy định của Luật Đầu tư; Có hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy
chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký
chuyển giao công nghệ); Công nghệ được chuyển giao thuộc Dự án có ngành nghề ưu
đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Hình thức
hỗ trợ là cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện
chuyển giao công nghệ; hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và
công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp.
Nội dung hỗ trợ đối với hỗ
trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ
trực tiếp để phục vụ hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, sử dụng tối đa hiệu
suất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong quá trình thực hiện chuyển
giao công nghệ bao gồm: Được ưu tiên đưa vào danh mục nhiệm vụ tuyển chọn, giao
trực tiếp và được hỗ trợ theo quy định của chương trình, quỹ thông qua nhiệm vụ
khoa học và công nghệ; được hỗ trợ thuê chuyên gia tư vấn phục vụ đánh giá hiệu
chỉnh thiết bị, quy trình công nghệ, dây chuyền sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ cho DN đối với hỗ trợ trực tiếp.
Về mức hỗ trợ, ngoài hưởng
các ưu đãi đối với ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn đầu tư theo quy định
của pháp luật về đầu tư, DN được hưởng mức hỗ trợ áp dụng theo quy định hiện
hành đối với nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí từ các chương trình khoa học và
công nghệ cấp quốc gia; quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp,
bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương; nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và kinh phí huy
động từ các nguồn hợp pháp khác.
Đồng thời, DN được hỗ trợ tối đa 2%/năm lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ
quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với khoản vay
thực hiện chuyển giao công nghệ trong dự án; được vay vốn với lãi suất ưu đãi
theo quy định của các quỹ, tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi đối với khoản vay
thực hiện chuyển giao công nghệ trong dự án.
Ngoài ra, DN đáp ứng các điều kiện nói trên được vay vốn với lãi suất ưu đãi
theo quy định của các quỹ, tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi đối với khoản vay
thực hiện chuyển giao công nghệ trong dự án.
Nguồn: Đàm Tuyết