Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp - 11:01 10/12/2020

Chia sẻ facebook

      Là một trong những hình thức ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, tưới nhỏ giọt (TNG) đang được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp với nhiều ưu điểm vượt trội, như: tiết kiệm nước, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất... Hiện, công nghệ tưới này đang được người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.


Tưới nhỏ giọt đang được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp

Hệ thống tưới nhỏ giọt (TNG) sử dụng công nghệ hiện đại đã thể hiện được rất nhiều ưu điểm, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung như: Tiết kiệm được 70% khối lượng nước so với cách tưới truyền thống; giảm được 90% sức lao động; chi phí rẻ hơn rất nhiều nếu tính về mặt lâu dài. Cùng với tiết kiệm nhân công, tiết kiệm nước, hệ thống TNG không tạo thành dòng chảy nên tránh xói mòn đất, giảm đáng kể bệnh thối rễ ở cây, hạn chế lây lan dịch bệnh, giúp cây không bị cháy lá, phát triển đều trong thời tiết khắc nghiệt và thiếu nước. Đặc biệt, đối với cây trồng ra hoa, quả nếu tưới phun trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả, nhưng áp dụng TNG khắc phục được những hạn chế, nâng cao hiệu quả sản xuất của cây trồng.

Hiện nay, nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ TNG với những phương thức, như: Tưới quấn quanh gốc, tưới cục bộ, phun mưa... đáp ứng nhu cầu sản xuất đa dạng các loại cây trồng trên mọi địa hình; kinh phí lắp đặt dao động từ 30 đến 50 triệu đồng/ha. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tưới nước tiết kiệm này là người dân không phải tốn công đào mương dẫn nước, đồng thời điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng nên tiết kiệm đáng kể nguồn nước. Ngoài ra, còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ hòa tan như đạm, kali, hay các loại phân bón dạng nước... thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng. Từ đó, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt hơn; năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống. Với hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp nên hiện nay, công nghệ TNG đã được áp dụng rộng rãi tại các địa phương đối với nhiều loại cây trồng, như: ớt, bí xanh, mía, cây ăn quả, cây rau màu các loại...

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.579,31 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, tăng so với năm 2015 là 2.252,39 ha. Trong đó, tưới bằng công nghệ TNG của Israel thông qua cải tiến, tích hợp công nghệ của nước ngoài chiếm tỷ lệ 63,82% diện tích. Hiện có 24 doanh nghiệp, 33 HTX tham gia ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm. Các chuyên gia của ngành nông nghiệp đánh giá, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp tăng năng suất cây trồng cạn trung bình từ 10% - 30%, giảm 20% - 50% chi phí công lao động. Hơn nữa, tiết kiệm từ 20% - 40% lượng nước so với phương thức tưới truyền thống, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm nhờ giảm từ 5 - 30% lượng phân bón trong quá trình canh tác, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho diện tích cây trồng. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, không chỉ đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường mà còn tiết giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất.

Có thể khẳng định, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả rất rõ rệt, giảm chi phí, giảm nhân công cho bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt (TNG) trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Để nhân rộng mô hình TNG thì các địa phương và ngành nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho từng loại cây trồng. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cũng như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các trang trại, gia trại áp dụng rộng rãi mô hình này vào sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các trang trại, gia trại, nhất là ở các vùng đồi ứng dụng công nghệ TNG để khắc phục khó khăn về địa hình, thời tiết... Bên cạnh đó, tạo điều kiện hỗ trợ để người sản xuất được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi về ứng dụng công nghệ cao (CNC).

                                                                                                                                          Mai Hương