Ngày 8- 9/9/2024, Trường Đại học Hồng Đức tổ chức Hội nghị kết
nối với các vườn ươm, làng ĐMST (Đổi mới sáng tạo), Startup, SME, Hợp tác xã,
làng nghề trên cả nước để tổ chức Techfest ĐMST mở và tổng kết các kết quả nổi
bật của Trung tâm trong quá trình thực hiện các nội dung của nhiệm vụ, thuộc
nhiệm vụ 844 (Mã số 844. NV04.ĐHHĐ.11-23).
Toàn
cảnh hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều
chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST trong nước và quốc tế từ
các vườn ươm, các làng ĐMST, các hội, hiệp hội, các cơ quan Trung ương, địa
phương và các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Bên cạnh đó, hội nghị lần này cũng thu hút
hàng trăm các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ các cơ quan, ban, ngành cấp
tỉnh, tổ chức đoàn thể các cấp, các thầy, cô giáo từ các trường đại học, cao đẳng
trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và gần 300 sinh viên của Trường Đại học Hồng Đức.
Hội nghị Kết nối và Triễn lãm “TECHFEST
ĐMST mở HDU 2024” không
chỉ là dịp để trao đổi về những thành công, thách thức và cơ hội phía trước, mà
còn là cơ hội để mở ra những hợp tác chiến lược mới, giúp các vườn ươm, làng
ĐMST, Startup, SME, Hợp tác xã, làng nghề cùng tiến xa hơn trên con đường khởi
nghiệp ĐMST. Cùng góp phần tạo nên những sáng kiến, đổi mới sáng tạo đột phá và
mang lại những giá trị bền vững cho các doanh nghiệp, nhà trường và toàn xã
hội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS.
Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Thời gian qua, Trường Đại học
Hồng Đức đã phối hợp với các đơn vị liên doanh và các chuyên gia hàng đầu
trong lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST tổ chức thành công nhiều hoạt động thiết thực
và ý nghĩa, bước đầu tạo lập được hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST có tính kết nối
cao, giàu các nguồn lực và có xu hướng phát triển tương đối toàn diện. Thông qua chuỗi sự kiện này, Trường Đại học Hồng Đức không chỉ
nghiêm túc đánh giá các kết quả thực hiện theo nội dung nhiệm vụ, mà còn đánh
giá những tác động tích cực của nhiệm vụ đối với các hoạt động khởi nghiệp ĐMST
nói chung và các kết quả nổi bật của Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST trong quá trình
thực hiện nhiệm vụ.
PGS.TS.
Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức phát biểu khai mạc hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được
nghe “Báo cáo kết quả nhiệm vụ 844-Mã số 844.NV04.ĐHHĐ.11-23”. Theo đó, báo cáo
nêu rõ, Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST được thành lập vào ngày 11/01/2023 theo Quyết định
số 85/QĐ-ĐHHĐ của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Sau gần 2 năm thành lập,
với tinh thần năng động, sáng tạo và khởi nghiệp, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo đã thực hiện thành công nhiều hoạt động góp phần kiến tạo hệ sinh thái
ĐMST ở Trường Đại học Hồng Đức, tiểu biểu như: Trung tâm đã tổ chức đào tạo 20
lớp Bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh và cá
nhân có nhu cầu thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; tổ chức được
04 lớp đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp cho sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ
cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Phối hợp với UBND huyện Bá Thước thực hiện dự án
“Xây dựng mô hình nuôi ruồi lính đen và giun quế xử lý rác thải hữu cơ tạo
nguồn thức ăn trong chăn nuôi và phân hữu cơ cho cây trồng tại một số xã
nghèo”. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức thường xuyên các phiên chợ Khởi nghiệp
Mai An Tiêm cho học viên, sinh viên; tổ chức các buổi talkshow, Workshop với chủ
đề Khởi nghiệp và Marketing trong Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức các Hội
nghị kết nối về KN ĐMST… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển hoàn thiện hệ
sinh thái KN ĐMST tại Trường Đại học Hồng Đức nói riêng, trên địa bàn tỉnh
Thanh Hóa nói chung và kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và trong
khu vực.
Cũng
tại Hội nghị, TS. Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội
đồng Cố vấn Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia đã trình bày tham luận: “Vai trò của ĐMST
mở với Doanh nghiệp và cơ hội, thách thức cho Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST
Trường Đại học Hồng Đức trong bối cảnh ĐMST mở tại các doanh nghiệp”. Tham luận
đã làm rõ tầm quan trọng của ĐMST mở, những thách thức cũng như cơ hội cho các
trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cụ thể là Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Trường
Đại học Hồng Đức.
TA. Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn
Khởi nghiệp Quốc gia trình bày tham luận tại hội nghị.
Ngoài ra, các đại biểu đã nghe các
chuyên gia và doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp và ĐMST chia sẻ
kinh nghiệm thực tiễn và những đóng góp lớn cho hệ sinh thái khởi nghiệp, tiêu
biểu như tham luận: Các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo & mô
hình điển hình trên thế giới; AI tạo sinh trong đào tạo khởi nghiệp: Chuyển đổi
phương pháp học tập cho thế hệ doanh nhân tiếp theo; Câu chuyện Startup với Mentor
trong hoạt động khởi nghiệp… Đây là những tham luận có nội dung chuyên môn
chuyên sâu, rất thiết thực, bổ ích để Trường Đại học Hồng Đức có thể vận dụng
vào thực tế của nhà trường.
Đại
diện Lãnh đạo Trường Đại học Hồng Đức và Hiệp hội Nữ Doanh
nhân tỉnh Thanh Hóa ký kết hợp tác.
Trong khuôn khổ chương trình hội
nghị, các đại biểu cũng đi sâu thảo luận về các vấn đề liên quan đến các giải
pháp phù hợp với thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, hợp tác sâu rộng và
toàn diện giữa Trường Đại học Hồng Đức với các doanh nghiệp trong hoạt động
khởi nghiệp ĐMST; xây dựng và phát triển các mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng
tạo trong cộng đồng theo hướng thông minh, hiện đại; lan tỏa tinh thần khởi
nghiệp, tinh thần ĐMST mở, tạo lập văn hóa khởi nghiệp và khởi nghiệp từ tài
nguyên bản địa; thúc đẩy ứng dụng giải pháp công nghệ trong sản xuất và kinh
doanh, thực hiện thành công mục tiêu của các Đề án 844.
Trong
dịp này, Trường Đại học Hồng Đức cũng đã ký kết hợp tác với các đối tác: Hiệp hội Nữ Doanh nhân tỉnh Thanh Hóa; Hội
Doanh nhân trẻ Thanh Hóa; Ký kết biên bản làm việc với UnravelX Private
Limited; Ký kết hợp tác với Công ty TNHH 3G Cộng; Ký kết hợp tác với Công ty CP
Thiết bị Giáo dục Hồng Đức.
Lãnh đạo Trường Đại học Hồng Đức tham
quan các gian hàng trưng bày tại "Triển lãm - TECHFEST Đổi mới sáng tạo
mở HDU 2024".
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các
đại biểu đã tham quan "Triển lãm - TECHFEST Đổi mới sáng tạo mở HDU
2024" với 45 gian hàng trưng bày, giới thiệu công
nghệ/sản phầm/dịch vụ và mô hình kinh doanh ĐMST đại diện cho Hiệp hội Doanh
nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội Nữ Doanh nhân tỉnh Thanh Hóa, Hội Doanh nghiệp
trẻ tỉnh Thanh Hóa, các Trung tâm đổi mới sáng tạo, trên 10 startup đến từ Hà
Nội, Hải Phòng, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, một nhà đầu tư quốc tế và một
startup quốc tế đến từ Singapore, cùng với các vườn ươm, làng đổi mới sáng tạo,
doanh nghiệp, hợp tác xã và làng nghề.
Nguyễn Thị Yến
(Trung tâm Thông tin - Ứng
dụng - Chuyển giao KH&CN Thanh Hóa).
ung