Ngày 25/12/2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức “Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2015 và Tổng kết công tác năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016”.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Ngũ Hiệp)
Tham dự Hội nghị về phía khách mời có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; Phái viên Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia Hoàng Văn Phong; Lãnh đạo Bộ KH&CN; đại diện Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội,…; Lãnh đạo Sở KH&CN 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Năm 2015: Đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động KH&CNNăm 2015, tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức của Bộ KH&CN đã đoàn kết nhất trí, nỗ lực vươn lên, đưa KH&CN tiếp tục đổi mới, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; tập trung xây dựng các phương hướng, nhiệm vụ KH&CN trọng tâm của giai đoạn 2016-2020; chuẩn bị các phương án hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN để phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ KH&CN đã tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về KH&CN với việc chuẩn bị phương án sửa đổi các Luật trong lĩnh vực KH&CN để phù hợp với cam kết quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã kết thúc đàm phán và/hoặc ký kết trong năm 2015. Nhiều văn bản quan trọng, mang tính định hướng cho hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2020 đã được hoàn thành để trình Thủ tướng Chính phủ như: Đề án tái cơ cấu ngành KH&CN; Nguyên tắc, tiêu chí đề xuất phân bổ kinh phí hoạt động KH&CN. Bộ đã ban hành Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020 làm căn cứ để triển khai hoạt động KH&CN giai đoạn tới; hoàn thành trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 Quyết định, Chỉ thị và 30 Thông tư, Thông tư liên tịch. Các văn bản trong lĩnh vực KH&CN tiếp tục được xây dựng theo định hướng đổi mới về tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN, đưa KH&CN bám sát, phục vụ đắc lực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ kết quả hoàn thiện chính sách, pháp luật và đẩy mạnh việc thực thi các định hướng đổi mới trong hoạt động KH&CN, Việt Nam đã có bước tăng trưởng cao trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2015 (Global Innovation Index 2015 - GII 2015) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) thực hiện. Theo đó, Việt Nam tăng 19 bậc, đứng thứ 52 (so với vị trí 71 năm 2014 và 76 năm 2013) trên tổng số 141 nền kinh tế được xếp hạng. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Singapore và Malaysia (vượt qua Thái Lan).
Năm 2015, việc triển khai các chương trình, đề án quốc gia về KH&CN cũng được trú trọng thực hiện. Các
Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 tập trung hoàn thiện những kết quả nghiên cứu để tiến hành tổng kết đầu năm 2016, xây dựng kế hoạch rà soát, sắp xếp lại Chương trình để triển khai trong giai đoạn 2016-2020.
Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi đã tiến hành tổng kết sau 3 giai đoạn thực hiện (1998-2002; 2004-2010; 2011-2015). Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hình thành thị trường công nghệ, dịch vụ ở nông thôn. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Bộ KH&CN đã hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.
Cùng với đó,
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 đã tổng kết với kết quả hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra về tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xây dựng, áp dụng các quy trình quản lý, kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ;...
Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã tổ chức sơ kết giai đoạn 1 (2010-2015). Chương trình đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, từng bước làm chủ các công nghệ quản lý tiên tiến trong khu vực và thế giới, vận dụng phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam; 03 Chương trình KH&CN quốc gia:
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và các Chương trình, đề án quốc gia về KH&CN khác cũng đã được tập trung triển khai và có nhiều kết quả tốt.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Ngũ Hiệp) 5 năm triển khai Chiến lược: Những kết quả ấn tượngSau 5 năm (2011-2015) triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là Chiến lược), có thể khẳng định Bộ KH&CN, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Một số mục tiêu đề ra của Chiến lược đã đạt được hoặc có khả năng đạt được vào năm 2020.
KH&CN đã có đóng góp quan trọng, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập. Trong khoa học tự nhiên, Việt Nam đã có bước phát triển trong nghiên cứu cơ bản, tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực KH&CN đa ngành mới như vũ trụ, y sinh, nano, hạt nhân; một số lĩnh vực có thế mạnh như toán học, vật lý lý thuyết đạt thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Khoa học xã hội và nhân văn đã kịp thời cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương phát triển đất nước, hoàn thiện pháp luật, tạo tiền đề cho đổi mới tư duy kinh tế, khẳng định lịch sử hình thành, phát triển dân tộc, bảo tồn các hệ giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong công nghiệp, dịch vụ, lực lượng KH&CN trong nước đã có khả năng thiết kế, chế tạo thành công nhiều công nghệ, thiết bị nội địa đạt tiêu chuẩn quốc tế; có năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao trong một số ngành thiết yếu như điện, điện tử, dầu khí, đóng tàu, xây dựng, y tế, công nghệ thông tin và truyền thông. Việc tăng cường ứng dụng KH&CN cũng góp phần không nhỏ trong phát triển nông thôn mới, các vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, phát huy lợi thế và tiềm năng của các địa phương,...
Nhờ bám sát các định hướng, nhiệm vụ và triển khai tương đối đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược, giai đoạn 2011-2015, nhiều mục tiêu quan trọng của Chiến lược đã cơ bản được hoàn thành:
Về giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao: Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Theo tính toán, giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào Tổng sản phẩm quốc nội giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này, chỉ tiêu đạt 45% Tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020 là khả thi.
Về tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị: Chiến lược đặt mục tiêu tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 - 15%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Theo kết quả tính toán sơ bộ của Bộ KH&CN, giai đoạn 2011-2014, Việt Nam có tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm, đạt mục tiêu chiến lược đề ra là 10-15%/năm.
Về số lượng công bố quốc tế, Chiến lược đặt mục tiêu số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng NSNN tăng trung bình 15 - 20%/năm. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2011-2015, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm, đạt mức cao so với mục tiêu của Chiến lược. Toán học, Vật lý, Hoá học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng công bố quốc tế trong 5 năm qua. Riêng Toán học, chúng ta có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tính tổng số công bố quốc tế trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta xếp thứ 59 trên thế giới (so với thứ 66 trong giai đoạn 2006-2010 và thứ 73 giai đoạn 2001-2005) và thứ 4 của Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 32 thế giới), Malaysia (thứ 38) và Thái Lan (thứ 43). Một trong các lý do quan trọng làm tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm qua xuất phát từ việc tăng quy mô, hiệu quả hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản từ nguồn NSNN thông qua Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED).
Về số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ của Việt Nam, mục tiêu của Chiến lược là số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2011 - 2015 tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2015, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ tăng 62% so với giai đoạn 2006-2010. Cụ thể, số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn 2011-2015 là 22.674 (2006-2010 là 15.989); số văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn tương ứng là 6.391 và 3.940.
Về tổng đầu tư xã hội cho KH&CN, mục tiêu của Chiến lược là phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020. Bảo đảm mức đầu tư từ NSNN cho KH&CN không dưới 2% tổng chi NSNN hàng năm. Theo thống kê, tổng đầu tư xã hội cho KH&CN năm 2013 khoảng 25.468 tỷ đồng, tương đương 0,71% GDP, trong đó 67% từ NSNN, 33% từ khu vực doanh nghiệp, vốn nước ngoài. Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu của Chiến lược và thấp so với các quốc gia có nền KH&CN phát triển (trên 3,0% GDP; cơ cấu đầu tư cho KH&CN từ Chính phủ và doanh nghiệp là 30/70). Về đầu tư từ NSNN, mặc dù chỉ tiêu tối thiểu 2% tổng chi NSNN cho KH&CN đã được quy định tại Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XI), Luật KH&CN năm 2013 và Chiến lược, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 1,5-1,6% chi NSNN. Nếu chi đủ 2%, NSNN cho KH&CN mới đạt trên 0,6% GDP.
Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) theo Chiến lược là vào năm 2015 đạt 9 - 10 người/vạn dân, năm 2020 là 11 - 12 người/vạn dân. Kết quả điều tra năm 2014 cho thấy, cả nước có 164.744 người tham gia hoạt động R&D (14 người/vạn dân), trong đó số cán bộ nghiên cứu có trình độ cao đẳng và đại học trở lên là 112.430 người. Nếu quy đổi toàn thời gian (FTE), số lượng cán bộ R&D của Việt Nam chỉ đạt 7 người/vạn dân.
Về số cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2015, hình thành 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao; năm 2020, hình thành 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao. Hiện Việt Nam có 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Mục tiêu hình thành được 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao vào năm 2015 khó hoàn thành do không thể sắp xếp được nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho các đơn vị có nhu cầu hình thành các cơ sở ươm tạo. Bộ KH&CN sẽ đánh giá lại nhu cầu của xã hội đối với các cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao cũng như các tiêu chí của một cơ sở ươm tạo cần có để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm khởi nghiệp với công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh lại mục tiêu này trong giai đoạn 5 năm cuối thực hiện Chiến lược.
Liên quan đến số doanh nghiệp KH&CN, mục tiêu Chiến lược đặt ra đến năm năm 2015, hình thành 3.000 doanh nghiệp KH&CN; năm 2020, hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Tính đến tháng 11/2015, cả nước có khoảng 2.800 doanh nghiệp KH&CN, gồm 204 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng doanh nghiệp công nghệ cao; 400 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghệ cao; 818 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN và có nhu cầu được cấp chứng nhận (tập trung chủ yếu trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh); 1.400 doanh nghiệp phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và quốc tế, theo Chiến lược, sẽ hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản, ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới năm 2015; 60 tổ chức năm 2020, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với KH&CN. Mới đây, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua việc thành lập, bảo trợ 02 Trung tâm UNESCO dạng 2 về Toán học, Vật lý trên cơ sở Viện Toán học, Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Đây là tham chiếu quan trọng trong việc đánh giá “đạt trình độ khu vực và quốc tế” đối với các tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khác. Đồng thời, trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá các tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng do Bộ KH&CN và các viện nghiên cứu, trường đại học phối hợp xây dựng cho thấy, có 6 tổ chức đạt trình độ khu vực và quốc tế, 8 tổ chức khác có thể đầu tư để đạt trình độ khu vực và quốc tế vào năm 2020. Bộ KH&CN sẽ có kiến nghị điều chỉnh mục tiêu này của Chiến lược.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai Chiến lược sẽ tiếp tục tập trung vào một số định hướng, giải pháp trọng tâm: Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN ưu tiên phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh và bền vững; tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; Đẩy mạnh hoạt động giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của KH&CN trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; hình thành và nuôi dưỡng văn hoá đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam.
Cần đổi mới mạnh mẽ hoạt động KH&CNPhát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá cao những kết quả Bộ KH&CN đạt được 5 năm qua nói chung và năm 2015 nói riêng. Đặc biệt là việc nỗ lực đổi mới và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN. Chia sẻ với những khó khăn của ngành KH&CN, Phó Thủ tướng cho rằng để đổi mới thành công sẽ còn rất nhiều gian khó, bởi không chỉ là cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư mà còn là thói quen, chỉ riêng Bộ KH&CN không thể làm được vì còn liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác, các nhà khoa học và toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ rõ 8 khó khăn trong hoạt động KH&CN hiện tại (Ảnh: Ngũ Hiệp)Phó Thủ tướng đã chỉ rõ và phân tích những khó khăn trong hoạt động KH&CN hiện tại, đó là: đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KH&CN; khó trong quản lý các đề tài, nhiệm vụ KH&CN. Cần tập trung đầu tư vào một số chương trình trọng tâm, trọng điểm. Minh bạch trong tất cả các khâu từ tuyển chọn, xét chọn, nghiệm thu, phản biện,... Tăng cường kết nối với hệ thống thông tin KH&CN trong nước với thế giới; hoàn thiện và điều hành hệ thống sáng tạo quốc gia ở quy mô Chính phủ, quy mô Bộ, trong đó doanh nghiệp phải là trung tâm, thu hút các trường đại học tham gia, đổi mới cơ chế của các viện nghiên cứu. Nhà nước thay vì đầu tư và quản lý tài chính, sẽ trở thành “bà đỡ”, định hướng cho doanh nghiệp, viện, trường. Kiên quyết thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các tổ chức KH&CN công lập...
Cùng với đó là những khó khăn trong phát triển tiềm lực KH&CN. Theo Phó Thủ tướng, ngoài huy động các doanh nghiệp, viện, trường nên có những định hướng trong triển khai hoạt động của các quỹ phát triển KH&CN, quản lý đề tài, nhiệm vụ KH&CN, ưu tiên các trường đại học lớn; khó khăn trong phát triển thị trường công nghệ; chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực trẻ, tài năng, nhất là cộng đồng khởi nghiệp. Trong 5 năm tới, cần cải thiện để thiết lập được một hệ thống các giải thưởng tôn vinh giới khoa học;...
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với những kiến nghị của Bộ KH&CN, đồng thời chỉ đạo Bộ KH&CN điều chỉnh những nội dung của Chiến lược còn chưa phù hợp để sát với thực tế hơn trong giai đoạn tiếp theo; tiếp tục có những giải pháp để doanh nghiệp thực sự quan tâm đến nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; xây dựng cơ chế để sử dụng quỹ phát triển KH&CN có lợi nhất cho doanh nghiệp;...