Được sự đồng ý của
Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP), sáng 20-3-2014, Liên hiệp các hội Khoa học
và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) đã phối hợp với hội Khoa học Thuỷ lợi tổ
chức hội thảo tham vấn về dự án: "Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và chuyển
giao các mô hình quản lý bền vững, hiệu quả đất dốc vùng trung du miền núi
thông qua sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học" nhằm
tiếp tục triển khai và nhân rộng thành công kết quả dự án: "Xây dựng mô
hình ứng dụng giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tổn thương và tăng cường khả năng
thích ứng trong giải quyết các vấn đề thiên tai, thời tiết cực đoan tại xã Cẩm
Tâm huyện Cẩm Thuỷ tỉnh Thanh Hoá" (CBA Cẩm Tâm). Tham dự hội thảo về phía
Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu thuộc Chương trình
Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP- GEF SGP) có bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều
phối viên Quốc gia GEF SGP; TS.Trần Thúc Sơn - thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia
Quỹ môi trường toàn cầu GEF SGP Đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện
các phòng, ban chuyên môn, các xã tham gia dự án của huyện Cẩm Thuỷ và Thường
trực Liên hiệp hội.
Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe đại diện hội Khoa học Thuỷ
lợi Thanh Hoá trình bầy những kết quả chủ yếu đã đạt được của dự án CBA tại Cẩm
Tâm. Dự án có tổng kinh phí thực hiện gần 1,4 tỷ đồng, trong đó GEF SGP tài trợ
950 triệu đồng đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Các mô hình điểm được xây
dựng đã mở ra một hướng mới thích ứng để cải thiện sinh kế một cách bền vững
cho các hộ gia đình ở vùng trung du miền núi, giúp địa phương tăng trưởng kinh
tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Thông qua thực hiện dự án đã tăng tính chủ động của chính quyền địa phương và
cộng đồng trong phòng, chống thiên tai, có sự chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất
nông nghiệp thích ứng với hạn hán và lũ quét, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học
nông nghiệp và sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước, đáp ứng mục tiêu chiến
lược của Qũy môi trường toàn cầu về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu dựa
vào cộng đồng.
Trên cơ sở kết quả đạt được của dự án CBA tại Cẩm Tâm, Hội Khoa học
Thủy lợi Thanh Hóa đã đề xuất dự án "Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và
chuyển giao các mô hình quản lý bền vững, hiệu quả đất dốc vùng trung du miền
núi thông qua sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học"
để triển khai thực hiện tại 3 xã Cẩm Tâm, Cẩm Châu và Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy),
với tổng kinh phí dự kiến trên 2,1 tỷ đồng, trong đó GEF SGP tài trợ trên 1 tỷ
đồng, thời gian thực hiện trong vòng 24 tháng.
Phạm Kim Tân (Liên hiệp các Hội KH-KT Thanh Hóa)