Sáng 15/9/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với
UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học Hội thảo khoa học “Đánh giá trình
độ công nghệ của địa phương - Những kinh nghiệm cho các tỉnh Bắc Trung Bộ”.
Tham dự Hội thảo có ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn
Đức Quyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN, lãnh
đạo các sở KH&CN các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh và Phó Chủ
tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã nêu lên những vấn đề cấp bách
việc nâng cao trình độ công nghệ của địa phương đối với việc phát triển kinh tế
- xã hội; đồng thời nhận định, việc đánh giá trình độ công nghệ của địa phương
và những kinh nghiệm cho các tỉnh Bắc Trung Bộ trong Hội thảo lần này là những
bài học hết sức quý giá cho các tỉnh còn lại trong quá trình tổ chức triển khai
đánh giá trình độ công nghệ địa phương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
Nguyễn Đức Quyền nhấn mạnh, Thanh Hóa cũng xác định KH&CN là một trọng
những khâu đột phá trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những
năm tới, vì vậy địa phương rất mong muốn lắng nghe các ý kiến, tham luận chia
sẻ của các nhà khoa học tại Hội thảo để đúc rút kinh nghiệm và làm tiêu chí
định hướng phát triển nền KH&CN tỉnh nhà.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh
đã khẳng định những đóng góp của KH&CN đối với quá trình phát triển kinh
tế-xã hội của đất nước, của từng vùng và từng địa phương. Tuy nhiên, những đóng
góp đó vẫn chưa được định lượng bằng những con số cụ thể, trong khi hệ thống cơ
sở dữ liệu của chúng ta về kết quả các công trình nghiên cứu cũng chưa đưa ra
được câu trả lời một cách đầy đủ cho vấn đề này. Bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy
họat động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các
ngành, các lĩnh vực, Bộ KH&CN đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư nguồn lực
để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới công nghệ, với yêu cầu phải
đánh giá được trình độ công nghệ của các ngành sản xuất. Đây sẽ là sơ sở dữ
liệu làm căn cứ phục vụ công tác hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế hỗ trợ.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định: “Đánh giá trình độ
công nghệ và quản lý công nghệ không phải là hoạt động mới mẻ trên thế giới,
tuy nhiên, nhiều tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là
những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa nhận thức đầy đủ cũng như thiếu chiến lược
phát triển, đổi mới công nghệ phù hợp. Đó là rào cản lớn cho việc thực hiện mục
tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy thị trường KH&CN”. Với ý
nghĩa đó, Hội thảo khoa học “Đánh giá trình độ công nghệ của địa phương -
những kinh nghiệm cho các tỉnh Bắc Trung Bộ” được tổ chức tại Thanh Hóa là
cơ hội tốt để các địa phương trong vùng nhận thức đầy đủ, toàn diện về vai trò
quan trọng của đánh giá trình độ công nghệ, từ đó có cách thức tổ chức triển
khai, sử dụng kết quả đánh giá trình độ công nghệ phù hợp với địa phương, đơn
vị mình.
Nhận định về vai trò của KH&CN cũng như sự cần thiết của đổi
mới công nghệ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền
cho biết: Năm 2015, quy mô nền kinh tế của tỉnh xếp thứ 8 cả nước, chỉ số năng
lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 10, chỉ hội nhập quốc tế xếp thứ 6… Để có được
những thành tựu này, không thể không nhắc đến đóng góp của KH&CN, của việc
nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Ông Nguyễn Đức Quyền cho biết thêm: “Năm 2015, tỉnh đã cho
tiến hành khảo sát hiện trạng về trình độ công nghệ, thiết bị của các doanh
nghiệp trên địa bàn. Mặc dù quy mô khảo sát tương đối nhỏ (268 doanh nghiệp
thuộc 8 lĩnh vực trên tổng số hơn 7.700 doanh nghiệp đang họat động), nhưng kết
quả thu được cho thấy, trình độ công nghệ đang ở mức trung bình. Do đó, trong
thời gian tới, Thanh Hóa tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển
KH&CN; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ
khoa học kỹ thuật ưu tiên vào các lĩnh vực: Nông nghiệp, y dược - chăm sóc sức
khỏe và ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới, ứng dụng nhằm nâng cao trình độ
công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Các ý kiến tham luận
tại hội thảo là cơ sở lý luận và thực tiễn để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hoàn
thiện chương trình hành động thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển là 1 trong
4 khâu đột phá thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại
hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 18 đã đề ra”.
Việc tổ chức Hội thảo lần này đã giúp làm rõ và sâu sắc hơn
những lợi ích mà việc đánh giá trình độ công nghệ có thể đem lại cho địa phương
nói chung và cho từng doanh nghiệp nói riêng. Làm rõ cách thức sử dụng kết quả
đánh giá trình độ công nghệ sao cho có hiệu quả nhất, phục vụ tốt nhất cho hoạt
động đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Những kinh nghiệm
trong quá trình sử dụng kết quả đánh giá trình độ công nghệ, nhất là việc xây
dựng, triển khai cơ chế hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp ở địa
phương. Hội thảo đã tạo cơ hội cho việc thúc đẩy việc tổ chức triển khai đánh
giá trình độ công nghệ; nêu lên những ưu, nhược điểm của từng cách thức đánh
giá; chỉ rõ cách thức đánh giá trình độ công nghệ mà các địa phương khu vực Bắc
Trung Bộ nên sử dụng. Những khó khăn vướng mắc thường gặp trong quá trình tổ
chức triển khai đánh giá trình độ công nghệ của địa phương và cách khắc phục.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo còn được nghe nhiều tham
luận, thảo luận góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học. Với nhiều ý
kiến thảo luận, chia sẻ và góp ý của đại biểu đã góp phần làm nên thành công
chung của Hội thảo. Kết quả của Hội thảo cũng sẽ giúp cho các cơ quan quản lý
của các tỉnh Bắc Trung Bộ biết được thực trạng trình độ công nghệ doanh nghiệp
ở địa phương; từ đó đề xuất những giải pháp khuyến khích, hỗ trợ và định hướng
phát triển các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp thông qua truy cập cơ sở
dữ liệu có thể tự mình đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ, có thể so sánh
doanh nghiệp mình với trung bình của ngành, của thành phố; biết trình độ của
mình đang ở đâu để từ đó có các định hướng đổi mới. Đây là yếu tố quan trọng
giúp tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các địa phương tham dự Hội thảo lần này triển
khai thực hiện ứng dụng KH&CN trong việc phát triển kinh tế xã hội địa
phương đạt kết quả tốt hơn.
Nguồn: .vista.gov.vn