Tiềm năng phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin - 15:13 05/07/2018

Chia sẻ facebook

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin (CNTT) sẽ tạo nên những bước phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực. Nắm bắt xu thế ấy, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều chương trình, đề án ứng dụng CNTT làm nền tảng cải thiện năng lực điều hành, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này.


Các lập trình viên Công ty CP ThinkLabs trong giờ làm việc.

Hiện nay, Thanh Hóa đang trong  top 10 phát triển DN của cả nước với hơn 10.000 DN đang hoạt động. Đồng thời với chiến lược phát triển trong giai đoạn 2016 -2030 là đẩy mạnh đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, tỉnh Thanh Hóa cũng đang triển khai đề án phát triển khu CNTT tập trung, trong đó có hợp phần xây dựng trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ (phần mềm, nội dung số) sẽ hứa hẹn tạo nên những bước đột phá cho môi trường đầu tư, phát triển của các DN trong lĩnh vực CNTT. Đây sẽ là nơi hội tụ các loại hình dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động học tập, nghiên cứu và khởi tạo DN CNTT nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Các DN hội tụ tại đây cũng sẽ được hưởng các ưu đãi của Nhà nước theo quy định.

Trên địa bàn tỉnh hiện tại có gần 450 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Một số DN có năng lực trong lĩnh vực này đã phát triển khá thành công trên thương trường, như: Công ty TNHH Minh Lộ, Công ty CP ThinkLabs, Công ty TNHH Thương mại công nghệ điện tử tin học G8... Tuy nhiên, các DN trong lĩnh vực CNTT của tỉnh hiện nayđa phần có quy mô nhỏ, các nguồn lực phát triển còn hạn chế, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán sản phẩm, thiết bị, linh kiện điện tử.. Nguồn vốn cho hoạt động này cũng còn hạn chế.

Thanh Hóa đang trong quá trình tái cơ cấu các ngành dịch vụ, trong đó xác định công nghiệp phần mềm, nội dung số và các sản phẩm dịch vụ CNTT là một trong 6 loại hình dịch vụ cần ưu tiên để phát triển. Tuy nhiên, để chuẩn bị “bước đệm” cho lộ trình này, các ngành liên quan của tỉnh cần sớm nghiên cứu, triển khai các chính sách, đề án hỗ trợ cho DN trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ số. Khuyến khích, hỗ trợ các DN CNTT phát triển theo mô hình DN khoa học công nghệ. Có phương án thu hút, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT để đáp ứng nhu cầu phát triển của các DN. Hỗ trợ các DN tham gia các chương trình xúc tiến, thương mại hóa sản phẩm, tạo thế cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ ở các địa phương khác.

                                                                                                                       Phòng Thông tin KH&CN