Cuối tháng 7 vừa qua, tại
Hà Nội, Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN) tổ chức Hội thảo báo
cáo nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) nhiệm vụ
KH&CN.
Lần đầu tiên việc xây
dựng CSDL quốc gia về KH&CN được quy định một cách có hệ thống tại Nghị
định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về Hoạt động thông tin
KH&CN và Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN ngày 28/6/2017 của Bộ KH&CN về
xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, duy trì và phát triển CSDL quốc gia về
KH&CN với 10 CSDL thành phần, tức là bộ dữ liệu thông tin về: các tổ chức
KH&CN; cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; nhiệm vụ
KH&CN; công bố khoa học và chỉ số trích dẫn khoa học; thống kê KH&CN;
công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; thông tin về khoa học và công
nghệ trong khu vực và trên thế giới; doanh nghiệp KH&CN; thông tin sở hữu
trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Sau khi Hệ thống được xây
dựng và hoàn thiện, các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân có thể tìm thấy
đầy đủ thông tin về các vấn đề nêu trên. Chẳng hạn, đối với CSDL về nhiệm vụ
KH&CN, sẽ có các thông tin về: tên nhiệm vụ, cơ quan tổ chức chủ trì, tổ
chức phối hợp triển khai, cơ quan chủ quản; chủ nhiệm nhiệm vụ và các cá nhân
tham gia chính; phương pháp nghiên cứu; thông tin về kết quả, sản phẩm; kinh
phí thực hiện; tình trạng nhiệm vụ (đang tiến hành hay đã kết thúc, đã được ứng
dụng chưa); địa chỉ và quy mô ứng dụng; hiệu quả ứng dụng và tác động đối với
kinh tế, xã hội và môi trường.
Tại Hội thảo, TS. Trần
Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia cho biết: Hệ thống CSDL
quốc gia nhiệm vụ KH&CN tạo ra môi trường ứng dụng công nghệ thông tin hiện
đại, nhằm quản lý và cung cấp tập trung các thông tin về nhiệm vụ KH&CN
trong các tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin KH&CN các cấp từ
trung ương đến địa phương. Đồng thời, hệ thống này cũng mang lại hiệu quả thiết
thực trong tác nghiệp, tra cứu, khai thác cho các đối tượng người dùng và định
hướng phát triển mở rộng các nghiệp vụ quản lý thông tin KH&CN tại Cục
Thông tin KH&CN quốc gia trong hiện tại và tương lai.
“Hệ thống CSDL quốc gia nhiệm vụ KH&CN” giúp người dùng thuận
tiện khi tra cứu, tìm kiếm, khai thác thông tin. Thông tin được tổ chức khoa
học, đầy đủ cùng với các tính năng hỗ trợ, lựa chọn theo bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, người dùng có thể tìm kiếm dựa trên tên tác giả, cơ quan chủ trì
nhiệm vụ, tóm tắt nội dung nhiệm vụ, toàn văn đề tài, nhiệm vụ, tìm kiếm theo
thời gian... Ngoài ra có thể tìm kiếm nâng cao theo cùng lúc nhiều tiêu chí.
Việc xây dựng và hoàn
thiện hệ thống CSDL quốc gia nhiệm vụ KH&CN sẽ mang lại những tác động
tích cực cho công tác quản lý và hoạt động KH&CN ở Việt Nam, góp phần minh
bạch hóa việc tài trợ công cho hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như kết quả
của hoạt động này. Việc công khai các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN (bao gồm
kết quả của các nhiệm vụ đã triển khai và các nhiệm vụ đang triển khai) sẽ bảo
đảm khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp các nhiệm vụ KH&CN gây lãng phí
nguồn lực; đồng thời chấm dứt tình trạng “đạo văn” trong nghiên cứu khoa học
hoặc cho phép thực hiện những nhiệm vụ không có ý nghĩa lý luận và thực tiễn
chủ yếu là để tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho cán bộ nghiên cứu,
qua đó sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu triển
khai và hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho KH&CN.
Dự kiến, quý IV/2018 sẽ
hoàn thiện hệ thống CSDL quốc gia nhiệm vụ KH&CN để đưa vào sử dụng và khai
thác công khai theo kế hoạch nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh
trùng lặp... trong đăng ký, tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN.
Bộ trưởng Bộ KH&CN
Chu Ngọc Anh đánh giá cao việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia nhiệm vụ
KH&CN trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo tăng cường mạnh mẽ chính phủ
điện tử cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguồn: NASATI