Chế phẩm vi sinh kiểm soát Vibrio parahaemolyticus gây bệnh AHPND trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng - 15:54 09/03/2020

Chia sẻ facebook

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) là nguyên nhân dẫn đến giảm đáng kể sản lượng của nền công nghiệp nuôi tôm toàn cầu, với tỷ lệ chết gần 100% ở các ao nhiễm nặng. Hiện nay, ứng dụng men vi sinh giúp cải thiện chất lượng nước, kiểm soát một số bệnh truyền nhiễm trên tôm đã góp phần giảm thiểu bùng phát một số dịch bệnh.


Ao nuôi tôm thẻ chân trắng xử lý vi sinh

Thông qua thực hiện đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio spp. gây AHPND trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng” (thuộc Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp và thủy sản), các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã chọn lọc và sản xuất thành công 2 sản phẩm dùng xử lý nước nuôi tôm. Trong đó, 1 sản phẩm được phối trộn bởi 2 chủng Bacillus licheniformis (B1) và Bacillus subtilis (S5), 1 sản phẩm chứa chủng Streptomyces (X285). Kết quả thử nghiệm cho thấy, khi sử dụng kết hợp 2 sản phẩm nêu trên (tỷ lệ 50/50) với liều lượng 1 g/m3 nước ao nuôi định kỳ 2 lần trong tuần có khả năng kiểm soát được sự bùng phát của vi khuẩn V. parahaemolyticus gây AHPND trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Hiệu quả sử dụng đạt cao nhất khi sản phẩm được tiếp tục lên men hiếu khí (sục khí 24/24) bằng việc kết hợp với mật rỉ đường theo tỷ lệ sản phẩm vi sinh/mật rỉ đường là 1/7 (thời gian ủ 24 giờ đối với sản phẩm Bacillus và 60 giờ đối với sản phẩm Streptomyces) trước khi xử lý nước.

Chi tiết xin liên hệ: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2

Địa chỉ: Số 116 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP Hồ Chí Minh;

Tel: 028.38299592; Fax: 028.38226807
                                                                                                                                              Mai Hương