Gần đây, nhiều đơn vị nghiên cứu đã có các chính sách ưu đãi,
tạo cơ sở để các nhà khoa học trẻ trưởng thành, nhanh chóng trở thành các cán
bộ nòng cốt, đóng góp vào thành tựu chung của nền khoa học nước nhà.
Cán bộ Trung tâm Giám định ADN chuẩn bị mẫu giám định.
Những năm qua, Bộ KH và CN đã triển khai các phương thức hỗ trợ
kinh phí, đầu tư cho các đề tài bằng cơ chế Quỹ Phát triển KH và CN quốc gia
(Nafosted), qua đó, các nhà khoa học trẻ có cơ hội được hỗ trợ nghiên cứu khoa
học cơ bản, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới. TS Ðỗ Tiến Dũng, Giám đốc
Quỹ Nafosted chia sẻ, từ khi quỹ đi vào hoạt động (năm 2008) đến năm 2019, có
khoảng 3.000 đề tài nghiên cứu được tài trợ, với sự tham gia của hơn 15.000
lượt nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Số đề
tài có chủ nhiệm không quá 40 tuổi chiếm từ 55 đến 65% số đề tài nghiên cứu cơ
bản. Tỷ trọng nhà khoa học trẻ được hỗ trợ lớn, đóng góp quan trọng trong phát
triển nguồn nhân lực KH và CN tương lai. Quỹ thực hiện quản lý chất lượng
nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện, thúc đẩy các nhà khoa học,
nhất là nhà khoa học trẻ thực hiện các nghiên cứu khoa học với chất lượng
chuyên môn cao, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới. Trong thời gian hoạt
động vừa qua, Quỹ đã thực hiện hỗ trợ gần 1.000 hoạt động nâng cao năng lực KH
và CN, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ tăng
cường trao đổi học thuật.
Tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, nhiều năm qua, cũng đã quan
tâm, có chế độ, chính sách ưu đãi để các nhà khoa học trẻ có môi trường làm
việc tốt. Số lượng các đề tài được phê duyệt hằng năm nhiều hơn, kinh phí được
cấp đáp ứng cơ bản cho việc triển khai nghiên cứu. Theo Ths Nguyễn Thanh Tùng,
Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, so với thế
hệ đi trước, các nhà khoa học trẻ có nhiều thuận lợi hơn, có nhiều cơ hội tiếp
cận công nghệ, phương pháp hiện đại… cho nên nhiều người mới ngoài 30 tuổi đã
có học hàm tiến sĩ, là nghiên cứu viên, giảng viên chính, thậm chí nghiên cứu
viên cao cấp. Cũng từ dấu mốc đó, họ được giao các chức vụ quản lý, làm chủ
nhiệm đề tài các cấp, nhiều người đã trưởng thành, đạt được một số thành tựu
khoa học có ý nghĩa thiết thực. Bên cạnh đó, các tài năng trẻ còn được thừa
hưởng thành quả khoa học tiên tiến của thế giới; công trình của họ được công
bố, quốc tế công nhận. Thành quả có được này là nhờ một bộ phận lớn trong số họ
thông thạo nhiều ngoại ngữ, vận dụng sáng tạo vào nghiên cứu và được làm việc trong
điều kiện đầy đủ và tốt hơn rất nhiều so với các thế hệ trước.
Nhiều nhà khoa học trẻ chia sẻ, dù ngày càng nhiều thuận lợi
trong nghiên cứu, nhưng họ cũng có nhiều áp lực, quan trọng nhất là phải tạo
được niềm tin, hoài bão, say mê, thể hiện được năng lực bản thân, cạnh tranh
với đồng nghiệp và các nhóm nghiên cứu trên thế giới... TS Nguyễn Thị Ánh
Dương, nhà khoa học trẻ tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm
KH và CN Việt Nam chia sẻ, với những chính sách hỗ trợ của đơn vị, bản thân đã
phát huy sức trẻ trong nghiên cứu và nỗ lực dành được học bổng bậc thạc sĩ của
Liên hiệp châu Âu (Erasmus Mundus) rồi sau đó đến học bổng toàn phần DAAD của
Chính phủ Ðức cho nghiên cứu sinh. Mới đây, TS Nguyễn Thị Ánh Dương đã cùng các
nhà khoa học công bố bài báo về vai trò của tuyến trùng tự do trong đất trên
tạp chí khoa học Nature, đó là niềm tự hào và ước mơ của mỗi nhà khoa học. Dù
vậy, áp lực đối với TS Nguyễn Thị Ánh Dương là việc đổi mới, sáng tạo hoặc tìm
tòi ý tưởng để các hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng có tính ứng dụng vào
thực tiễn.
Hy vọng thời gian tới, sẽ có những cơ chế, chính sách tốt hơn về
lương, thưởng cho những nhà khoa học, nhất là những người làm việc tốt, có công
bố khoa học xuất sắc. Các nhà lãnh đạo cũng cần cho các cán bộ trẻ nhiều cơ
hội, thử thách để thể hiện năng lực bản thân. Bản thân các nhà khoa học trẻ cần
chia sẻ những khó khăn của cơ chế chính sách hiện nay và hoàn thành công việc
tốt nhất, nếu có sản phẩm nghiên cứu tốt thì chắc chắn sẽ có cơ chế tốt.
Phòng Thông tin
KH&CN