Hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ - 11:52 09/12/2020

Chia sẻ facebook

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Qua đó, góp phần tạo hướng đi mới trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo lập, quản lý, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững.


Hội thảo tổng kết chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.

Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14-6-2016, với mục tiêu nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về TSTT trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các cá nhân, tập trung vào các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho các sáng chế, giải pháp hữu ích của Việt Nam; hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền SHTT cho các sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển TSTT... Để chương trình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, Sở KH&CN đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (tại Quyết định số 4369/QĐ-UBND, ngày 8-11-2016). Chương trình bao gồm các nội dung: Hỗ trợ tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực về SHTT cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh; hỗ trợ hoạt động ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN và sáng kiến nhằm phát triển sản phẩm mới và nâng cao khả năng cạnh tranh; hỗ trợ khai thác thông tin về SHTT phục vụ nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ để tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, thực thi và hợp tác về SHTT.

Là cơ quan chủ trì, Sở KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung chương trình. Theo đó, Sở KH&CN đã phối hợp với Cục SHTT tập huấn 3 lớp về SHTT cho 293 lượt học viên là các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh (chương trình OCOP) tập huấn 9 lớp về SHTT cho 985 lượt học viên là cán bộ quản lý và đối tượng tham gia chương trình. Bên cạnh đó, sở cũng biên soạn và phát hành 600 cuốn sổ tay sở hữu công nghiệp phục vụ các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Vào ngày SHTT thế giới hàng năm, sở đều tổ chức tuyên truyền về SHTT bằng nhiều hình thức: hội thảo, pa-nô, áp phích, phim phóng sự, website... Kết quả, nhận thức và năng lực về SHTT của các tổ chức, cá nhân được nâng cao, số văn bằng, bảo hộ tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015; số vụ xâm phạm về SHTT không nhiều và không có vụ xâm phạm về SHTT nổi cộm như giai đoạn trước đây. Về công tác hỗ trợ xác lập, quản lý, khai thác và phát triển TSTT cho các tổ chức, cá nhân, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho 22 tổ chức, cá nhân với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng; hỗ trợ khai thác, áp dụng thực tiễn giải pháp hữu hiệu “chất phụ gia để pha chế xăng sinh học” với kinh phí 768,73 triệu đồng...

Nắm bắt yêu cầu, xu hướng phát triển SHTT, Sở KH&CN đã tổ chức các chương trình mang tính sự kiện để thông tin, quảng bá phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp; triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đăng ký xác lập quyền SHTT; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh... Đặc biệt, từ khi “Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020” được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, các hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án về SHTT được triển khai thực hiện và đạt kết quả khả quan, như: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể tương Làng Ái (Yên Định), chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), nước mắm Do Xuyên - Ba Làng (Tĩnh Gia), mắm tép Hà Yên (Hà Trung); đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý bưởi Luận Văn (Thọ Xuân), tơ lụa Hồng Đô (Thiệu Hóa), nón lá Trường Giang (Nông Cống)... Hiện, Sở KH&CN đang tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chủ trì triển khai các dự án xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho một số đặc sản như, nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Sầm Sơn”, “Mực khô Sầm Sơn”; nhãn hiệu tập thể “Cam Xuân Thành”... Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã có 429 tổ chức, cá nhân được cấp tổng cộng 1.080 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (4 sáng chế, 4 giải pháp hữu ích, 4 chỉ dẫn địa lý, 83 kiểu dáng công nghiệp, 985 nhãn hiệu). Sau khi được đăng ký bảo hộ quyền SHTT, Sở KH&CN cũng thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Bằng những biện pháp đồng bộ, chương trình hỗ trợ phát triển TSTT đã tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng các kết quả nghiên cứu sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và các dịch vụ của tỉnh thông qua việc hỗ trợ, tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển trí tuệ. Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình cũng bộc lộ những hạn chế như: Số văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm làng nghề tăng nhưng chưa nhiều; số lượng sáng chế được hỗ trợ bảo hộ, áp dụng còn hạn chế. Việc hỗ trợ các đặc sản địa phương mới dừng lại ở việc bảo hộ, vấn đề kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu sản phẩm chưa được triển khai rộng rãi. Vấn đề xâm phạm quyền SHTT vẫn còn diễn ra phức tạp, trong khi chương trình chưa triển khai được nhiều dự án quy mô lớn để xử lý vấn đề này.

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Trên cơ sở chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, Sở KH&CN sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình hỗ trợ phát triển TSTT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tiếp tục phát triển TSTT đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đưa SHTT thành công cụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chương trình phát triển TSTT phải được gắn kết chặt chẽ với chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa (chương trình OCOP-TH). Sản phẩm OCOP-TH và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa phải được xác lập, quản lý và phát triển quyền SHTT. Số đơn đăng ký xác lập quyền SHTT trên địa bàn tỉnh tăng trung bình hằng năm là 8-10%. Đến năm 2030, hỗ trợ, khai thác, áp dụng thực tiễn cho ít nhất 4 sáng chế/giải pháp hữu ích cho các sản phẩm của chương trình OCOP-TH; hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển SHTT cho ít nhất 150 sản phẩm là đối tượng của chương trình OCOP-TH và các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

                                                                                                 Nguyễn Mạnh (Nguồn: Báo Thanh Hóa)