Xây dựng doanh nghiệp khoa học - công nghệ là chìa khóa thành công - 11:26 11/03/2021

Chia sẻ facebook

Có thể khẳng định, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Lực lượng doanh nghiệp KH&CN đã tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội rõ nét, không những tạo việc làm, mà còn tạo ra xu hướng phát triển KH&CN trong hệ thống doanh nghiệp nói chung.


Hiện nay, tỉnh ta có 27 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ 3 cả nước về kết quả xây dựng, phát triển doanh nghiệp KH&CN. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai nhiều giải pháp, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, giai đoạn 2017-2020, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển doanh nghiệp KH&CN, cụ thể như, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền thuê đất, cho vay tín dụng ưu đãi... Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ, trên cơ sở đó hình thành các doanh nghiệp KH&CN.

Tuy nhiên, so với quy mô hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thì con số 27 doanh nghiệp đã được công nhận doanh nghiệp KH&CN là quá thấp. Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, không đủ điều kiện để đầu tư, nghiên cứu, phát triển ý tưởng, sản phẩm nên chưa mạnh dạn đầu tư cho KH&CN. Đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dẫn đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp KH&CN chưa thực sự hấp dẫn. Một số quy định gián tiếp hỗ trợ, thúc đẩy thị trường công nghệ, thương mại hóa sản phẩm KH&CN như, xác nhận kết quả, giao quyền sở hữu, sử dụng, thực hiện nhiệm vụ không sử dụng ngân sách Nhà nước còn bất cập, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách.

Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng KH&CN, chương trình hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN và khởi nghiệp ĐMST vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp KH&CN, trong giai đoạn 2021-2025, thiết nghĩ cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, thiết thực. Đồng thời, xác định, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN phải đặt trong tổng thể phát triển doanh nghiệp toàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KH&CN, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển KH&CN, ĐMST đã được ban hành; hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích và thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục chứng nhận, quyền lợi của doanh nghiệp KH&CN tới các hội doanh nghiệp cấp huyện, các hội ngành nghề, các tổ chức, cá nhân để triển khai, thực hiện chính sách một cách kịp thời, có hiệu quả; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo, diễn đàn về doanh nghiệp KH&CN và khởi nghiệp ĐMST nhằm cung cấp thông tin, gợi mở, khuyến khích sự sáng tạo của người dân và tạo cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH&CN và tổ chức có hiệu quả hoạt động sàn giao dịch công nghệ - thiết bị của tỉnh, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận với các chương trình KH&CN, các quỹ đổi mới công nghệ; xây dựng quỹ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh, hỗ trợ kịp thời các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có ý tưởng khởi nghiệp và ĐMST hiệu quả; tập trung nguồn lực hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có tính cấp thiết, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và có ảnh hưởng sâu rộng; hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, ĐMST sớm gia nhập thị trường với thời gian và chi phí hợp lý.

Lực lượng doanh nghiệp KH&CN dù chưa nhiều nhưng bước đầu đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tạo ra xu hướng phát triển KH&CN trong hệ thống doanh nghiệp Thanh Hóa. Với ý nghĩa đó, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN không chỉ phụ thuộc vào chính sách ưu đãi của Nhà nước; mà chính mỗi doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, xem đầu tư KH&CN là nền tảng cho sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp.

                                                                                                                Phòng thông tin KHCN