Sáng ngày 6/5/2021, đồng chí Lê Đức Giang - Phó Chủ
tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe Dự thảo báo cáo xây dựng chính sách
khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành khâu đột
phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Sở KH&CN trình
bày Dự thảo báo cáo xây dựng chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở
thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn
2021-2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức
Giang phát biểu tại hội nghị.
Mục tiêu của dự thảo là khuyến khích nghiên cứu, ứng
dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật làm động lực để phát triển
KH&CN và đổi mới sáng tạo; ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến,
để tạo đột phá trong phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh
tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần đưa KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát
triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đối tượng
hỗ trợ là các doanh nghiệp, doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh phấn đấu
đến năm 2025, xây dựng mới ít nhất 30 doanh nghiệp KH&CN, 10 tổ chức doanh
nghiệp được hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu ứng dụng; 5 nhóm
nghiên cứu được thành lập; 80 doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số để triển khai
nghiên cứu các ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển
các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Dự thảo cũng đưa ra 11 nhóm chính sách, đồng thời nêu
rõ đối tượng, mục tiêu, các điều kiện để được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời điểm hỗ
trợ cho từng nội dung chính sách.
Thảo luận tại hội nghị, đa số các đại biểu đều thống
nhất sự cần thiết phải ban hành chính sách khuyến khích phát triển KH&CN
trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai
đoạn 2021-2025.
Sau khi nghe thảo luận của đại biểu, kết luận hội
nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đánh giá cao sự cố gắng, chủ động của
Sở KH&CN trong quá trình xây dựng dự thảo. Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch
UBND tỉnh lưu ý, trong 11 nhóm chính sách chỉ giữ lại 6 nhóm chính sách, đó là
chính sách, hỗ trợ nhận chuyển giao kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị và
chăm sóc sức khỏe con người; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ
chân trắng; hỗ trợ công nghệ cao trong sản xuất lúa, gạo chất lượng cao theo
chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ - thiết
bị sản xuất một số sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh tốt; hỗ trợ đầu
tư mới hoặc đổi mới công nghệ cao trong bảo quả, chế biến nông sản; hỗ trợ
nghiên cứu, sản xuất phần mềm tin học (software). Các nhóm chính sách được hỗ
trợ cần đảm bảo chính sách mạnh, trúng và có tính khả thi cao.
Hải Yến