Doanh nghiệp được xác định là trung tâm
của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong việc chuyển
hoá các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) vào cuộc sống. Hỗ trợ doanh
nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không
chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là của tất cả các ngành, các cấp.
Sáng ngày 25/3/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Đại
học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước
ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm
kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ” tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hình
thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Toàn cảnh Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến
Tham dự Hội thảo có: ông Huỳnh Thành Đạt - Uỷ viên Ban Chấp hành
Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Vũ Hải Quân - Uỷ viên Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc ĐHQG TP. HCM; ông Trần Văn Tùng
- Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội.Có trên 100 đại
biểu tham dự trực tiếp và trên 300 đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến
tại các điểm cầu trong nước và quốc tế, đại diện đến từ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN;
ĐHQG TP. HCM; ĐHQG Hà Nội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hội
doanh nhân trẻ TP.HCM; Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; đại diện
Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; mạng lưới các Hội tri
thức và doanh nhân kiều bào từ các quốc gia, vùng lãnh thổ; một số doanh nghiệp
tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo được tổ chức nhằm phổ biến chủ trương, cơ chế, chính sách
hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới
công nghệ, từ đó thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp,
tổ chức trong nước và nước ngoài cùng triển khai các chương trình của Bộ
KH&CN; nắm bắt nhu cầu chuyển giao, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và
khả năng đáp ứng của các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cá nhân
có liên quan trong nước và nước ngoài; lắng nghe, trao đổi, đề xuất hoàn thiện
cơ chế chính sách, mô hình hợp tác hiệu quả trong chuyển giao, thương mại hóa
sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; kết nối,
khơi mở tiềm năng hợp tác với mạng lưới đổi mới sáng tạo của người Việt Nam tại
nước ngoài; đồng thời giới thiệu một số sáng chế, kết quả nghiên cứu, sản phẩm
công nghệ có khả năng thương mại hóa của các nhà khoa học, trường đại học, tổ
chức nghiên cứu tới cộng đồng doanh nghiệp.
Hội thảo diễn ra gồm hai phiên chính: Phiên tham luận với các nội
dung giới thiệu, làm rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, chuyển
giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; thực trạng kết nối công nghệ giữa khu vực
nghiên cứu và khu vực sản xuất; nhu cầu hợp tác, nhận chuyển giao phục vụ ứng
dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; kinh nghiệm thành công trong đổi
mới công nghệ tại doanh nghiệp. Phiên trao đổi, thảo luận nhằm lắng nghe những
thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong triển khai các cơ chế, chính sách; đề xuất
mô hình hợp tác giữa các nhà khoa học, các tổ chức trong nước, quốc tế và doanh
nghiệp; tìm kiếm các giải pháp phát triển mạng lưới đơn vị trung gian về tư vấn
tìm kiếm, chuyển giao công nghệ và đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm
kiếm, tiếp nhận, làm chủ công nghệ.
Tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ thông tin về sự cần thiết triển
khai và đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, cũng như đề xuất giải pháp
phát triển mạng lưới các đơn vị trung gian hỗ trợ tư vấntrong triển khai chính
sách hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ và đổi mới công nghệ…4 tham luận, 12 ý kiến
của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, các tổ chức đã được
chia sẻ tại Hội thảo với các nội dung bao quát và cập nhật về các chính
sách hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Các diễn giả cung cấp
nhiều thông tin hữu ích từ các Hiệp hội, các doanh nghiệp, làm rõ nhu cầu bức
thiết về đổi mới công nghệ, những tác động rõ nét đổi mới công nghệ với sự phát
triển của các ngành, các lĩnh vực.
Để KH&CN là trụ cột cho
phát triển, các nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự tại Hội thảo kiến nghị Nhà
nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, phát
triển đổi mới, tăng cường nhập khẩu các công nghệ…; Việc hỗ trợ thông qua các
chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trực
thuộc Bộ KH&CN, hay các quỹ đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hỗ trợ
các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận với công
nghệ tiên tiến. Cùng với đó là tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm và nghiên
cứu khoa học mạnh tại các trường, viện nghiên cứu trọng điểm nhằm hỗ trợ các
doanh nghiệp làm chủ công nghệ mới thông qua hợp tác, nhập khẩu và đổi mới công
nghệ. Sớm ban hành cơ chế, chính sách về tài chính hỗ trợ triển khai Chương
trình Đổi mới công nghệ quốc gia. Cần xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu về chuyên
gia, công nghệ trong nước và nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tiếp cận công nghệ
mới của doanh nghiệp. Bổ sung quy định ưu đãi đối với sản phẩm được tạo ra từ
chuyển giao, đổi mới công nghệ. Sớm hoàn thiện các quy định về quản lý để doanh
nghiệp được tham gia các chương trình hỗ trợ của nhà nước, đáp ứng nhu cầu ngày
càng cấp thiết của nền kinh tế.
Đàm Tuyết (Nguồn: Cục Thông tin KH&CN)