SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THANH HÓA THAM GIA DỰ HỘI NGHỊ GIAO BAN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÙNG BẮC TRUNG BỘ LẦN THỨ XIV NĂM 2022 VÀ CHUỖI SỰ KIỆN THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ - 16:23 11/11/2022

Chia sẻ facebook

Chiều ngày 28/10/2022, tại Thừa Thiên Huế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV. Hội nghị được tổ chức nhằm nhìn lại quá trình hoạt động KH&CN vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2022, đánh giá kết quả thực hiện chính sách KH&CN cũng như trao đổi về những vướng mắc còn tồn tại, với mục đích để KH&CN đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của toàn vùng.


Toàn cảnh hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có ông Bùi Thế Duy - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương và ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN. Tham dự tại Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN và các đơn vị trực thuộc của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Theo báo cáo tổng hợp từ Vụ Phát triển KH&CN địa phương, trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng chi đầu tư phát triển KH&CN cho 6 tỉnh trong vùng là 898,779 tỷ đồng. Các tỉnh trong vùng đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thành lập doanh nghiệp KHCN bằng nhiều hình thức khác nhau. Hiện toàn vùng đã có 132 tổ chức, doanh nghiệp KH&CN. Trong giai đoạn này, các địa phương trong vùng đã triển khai 95 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 663 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở. Các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, nâng cao sức mạnh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Các nhiệm vụ sau khi kết thúc đều tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, đáp ứng được các mục tiêu đề ra, kết quả, sản phẩm có khả năng ứng dụng và nhân rộng cao, mang lại ý nghĩa thiết thực, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hoạt động đổi mới công nghệ, sáng tạo tiếp tục được mở rộng triển khai. Các địa phương ban hành 15 văn bản về cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và 03 chính sách liên quan đến hoạt động đổi mới công nghệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, trong giai đoạn này, các sở KH&CN đã đào tạo được 80 đợt về sở hữu trí tuệ cho hơn 10 nghìn người; xác lập quyền sở hữu công nghiệp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp 3.677 lượt.  Bên cạnh đó, các sở KH&CN trong vùng cũng đã tiếp nhận công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy cho 940 tổ chức, cá nhân.

Ngoài việc đánh giá kết quả hoạt động KHCN& đổi mới sáng tạo của vùng và từng địa phương trong vùng giai đoạn 2018-2022, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai tại địa phương liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách chi cho đầu tư phát triển KHCN& đổi mới sáng tạo, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo,…

Trước tình hình trên, lãnh đạo các Sở KH&CN đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế bộ máy quản lý để có sự thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động của ngành phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Ngọc Túy - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ  cần sớm hoàn thiện, ban hành các quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, sớm có tham mưu cho Bộ trưởng để hoàn thiện khung pháp lý, hướng dẫn cho các địa phương trong việc xây dựng các Khu Công nghệ cao một cách thuận tiện và hiệu quả.


Ông Nguyễn Ngọc Túy, giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, để KH&CN thực sự trở thành động lực, nền tảng hàng đầu cho sự phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư tăng cường tiềm lực về nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, thông tin KH&CN. Theo đó, cần có nhiều hơn doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, nhiều hơn doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của một doanh nghiệp KH&CN để góp phần đưa  KH&CN vào cuộc sống một cách nhanh nhất. Để đạt được những mục tiêu của ngành đề ra, trong thời gian tới các cơ quan , ban ngành cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển bền vững cho vùng Bắc Trung Bộ. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển KH,CN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng; Tăng cường hợp tác với các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực; hực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KHCN như: hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ; Sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; an toàn bức xạ và hạt nhân; đầu tư nâng cao tiềm lực; thanh tra, thống kê cơ sở dữ liệu KH&CN; đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, hoạt động KH&CN cấp huyện; Tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư tiềm lực cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực cho các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN… Cuối cùng, Thứ trưởng mong rằng, thời gian tới, hoạt động KH&CN trên địa bàn vùng tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các Sở, ban, ngành nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn vùng nói riêng và ngành KH&CN nước nhà nói chung.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

Bên lề chuỗi hoạt động chính: Gặp gỡ các Trưởng làng Công nghệ Quốc gia, Ra mắt làng công nghệ AI tại Huế, Tọa đàm xây dựng Hệ sinh thái Cố Đô khởi nghiệp; Hội thảo “Định hướng xây dựng Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế”; Hội thảo “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ”, Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV năm 2022 là hoạt động “Trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm, kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và sản phẩm đổi mới sáng tạo của các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ tại Huế”. Sự kiện diễn ra trong 02 ngày 27-28/10/2022, do Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN tổ chức tại Khách sạn Silk Path Grand – TP. Huế đã  thu hút nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sáng chế, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp và gần 35 Viện nghiên cứu, trường Đại học, các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp ở các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến tham quan và trải nghiệm, giao lưu, kết nối.

Hưởng ứng chuỗi sự kiện trên, Sở KH&CN Thanh Hóa (Giao cho Trung tâm Thông tin - Ứng dụng - Chuyển giao KH&CN Thanh Hóa là cơ quan thường trực) phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN tham gia 01 gian hàng giới thiệu, trưng bày, quảng bá  nhiều sản phẩm từ công trình nghiên cứu khoa học của các cá nhân, đơn vị  KH&CN trong tỉnh: Các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và sự phát triển hiện nay của xã hội, thân thiện với môi trường được làm từ vỏ quả dứa của Công ty TNHH công nghệ sinh học Fuwa Biotech; Các sản phẩm đồ uống được chế biến từ cây rau má của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Phong Cách Mới; Các sản phẩm được làm từ đông trùng hạ thảo của Công ty cổ phần dược liệu Sukha Việt Nam, Công ty cổ phần Thảo Ngọc Việt; Các loại gạo được sản xuất theo dây chuyền hiện đại của Công ty cổ phần Sao Khuê và Công ty TNHH hữu hạn Lựu Sướng; Các loại phân bón lúa chất lượng cao của Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông… Hoạt động gian hàng của tỉnh Thanh Hóa tại sự kiện đã ghắn kết có hiệu quả việc quảng bá các thành tựu nổi bật về phát triển KT – XH của tỉnh và các đổi mới KHCN, xúc tiến thương mại, chuyển giao khoa học, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp cung và cầu công nghệ, thiết bị ứng dụng thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Một số hình ảnh tại Gian hàng trưng bày các sản phẩm của Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa:

 


        


                                                                 Hải Yến (Phòng Thông tin KHC&N - Trung tâm TTUDCG KH&CN)