Phát triển nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng Vietgap; cơ hội, tiềm năng và giải pháp - 08:00 09/05/2016

Chia sẻ facebook

Cá rô phi là loài cá được nuôi phổ biến trên thế giới. Sản lượng rô phi nuôi không ngừng tăng lên và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện nguồn cung cấp dinh dưỡng cho người nghèo, nghề nuôi cá rô phi cũng được coi là một sinh kế tốt nhất cho nông dân thoát khỏi đói nghèo. Trong tương lai cá rô phi sẽ là sản phẩm thay thế cho các loài cá thịt trắng đang ngày càng cạn kiệt, là mặt hàng thủy hải sản được dự đoán làm thay đổi bức tranh thủy sản của thế kỷ 21, được mệnh danh là ” thịt gà ” của thế giới ( FAO).

Là đối tượng ăn tạp, dễ nuôi, cá rô phi được di giống, thuần hoá và trở thành đối tượng nuôi phổ biến ở các vùng nước khác nhau trên 100 nước trên thế giới. Theo ước tính, năm 2006 sản lượng cá rô phi trên thế giới đạt trên 2,5 triệu tấn. Cá rô phi phát triển đã trở thành đối tượng hàng hoá ngày càng có sức cạnh tranh cao ở ngay thị trường các nước phát triển. Thị trường cá rô phi phát triển rất nhanh trong 2 thập kỷ gần đây, đặc biệt thị trường Mỹ và Châu Âu. Thị trường nhập khẩu cá rô phi trên thế giới năm 1996 là 20.000 tấn, năm 1999 là 100.000 tấn. Năm 2008 Mỹ nhập khẩu 453.264 tấn cá rô phi. Nhập khẩu của Mỹ chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất cá rô phi trên toàn cầu.

Về thị hiếu, dân chúng sẽ chuyển hướng sang tiêu thụ hàng thuỷ sản tươi sống, đặc biệt là có giá trị cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cá rô phi ngày càng có nhu cầu cao trên thị trường thế giới. Trong khi giá nhiều loại cá hay các loại thuỷ sản khác luôn có nhiều biến động thì hầu hết các sản phẩm từ cá rô phi có giá khá ổn định trong vòng 5 năm qua. Tư­ơng lai, theo nhiều dự đoán, giá các sản phẩm từ cá rô phi sẽ ổn định hoặc giảm chút ít do xuất hiện thêm nhiều nước khác nuôi cá rô phi và do tiến bộ khoa học công nghệ đư­ợc áp dụng nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm.

Trong những năm qua, tỉnh Thanh hóa luôn quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, phát huy những thế mạnh của địa phương, trong đó có ngành nuôi thủy sản. Cá rô phi được xem là đối tượng nuôi nước ngọt chủ lực tại địa phương. Phát triển nuôi cá rô phi sẽ góp phần tăng nhanh sản l­ượng cá nuôi, mặt khác làm tăng tỷ trọng xuất khẩu đặc biệt là các sản phẩm thuỷ sản nuôi từ nước ngọt. Nuôi cá rô phi sẽ góp phần đa dạng hoá sản phẩm, tận dụng tốt hơn các vùng nư­ớc ngọt hiện có.

Thanh Hoá là tỉnh có tiềm năng nuôi trồng thủy sản với 18.050ha trên cả 3 lĩnh vực nước mặn, lợ, ngọt. Đối với nghề nuôi trồng thủy sản nuôi nước ngọt, đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống (mè, trôi, trắm, chép), cá rô phi, cá lăng (nuôi lồng),nuôi nước mặn, lợ, đối tượng nuôi chính là tôm sú, tôm chân trắng, ngao, cá vược, cá mú, cá tráp, cá rô phi.

 Từ năm 1995, Cá rô phi đơn tính lần đầu tiên được nuôi tại Thanh hóa, qua gần 20 năm phát triển, cá rô phi đơn tính đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng, năng suất, sản lượng, giá trị thương mại ngày một tăng. Tuy nhiên cho tới nay nghề nuôi cá rô phi tại Thanh Hóacòn nhiều tồn tại hạn chế về chất lượng con giống, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ... Các giải pháp và công nghệ đưa ra chưa hoàn toàn khắc phục những khó khăn và tận dụng được các lợi thế để tạo ra l­ượng hàng hoá lớn, đảm bảo chất lượng, có giá trị xuất khẩu. Trong những năm qua, ở Thanh Hóa nuôi cá rô phi phần lớn nuôi theo phương pháp truyền thống, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, thời gian nuôi kéo dài, cỡ cá thu hoạch nhỏ, giá trị thương mại thấp, các yếu tố đầu vào và đầu ra của sản phẩm không được kiểm soát. Vì vậy, giá thành cao, hiệu quả kinh tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nó.

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, trong lĩnh vực NTTS đã xác định rô phi là sản phẩm chính trong NTTS nước ngọt. Phát triển nuôi cá rô phi xuất khẩu thành một ngành sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả, bền vững, với mục tiêu đến năm 2020, diện tích nuôi thâm canh đạt 1.000ha, sản lượng 20.000 tấn đủ tiêu chuẩn  xuất khẩu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân; chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ, nhằm nâng cao hiệu quả trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, bên canh các giải pháp về  quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi cá rô phi thâm canh tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển giống thủy sản, hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường, hệ thống quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản .v.v. giải pháp về kỹ thuật, xây dựng mô hình áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt VietGAP là vấn đề cấp thiếp hiện nay.

Vũ Văn Hà

Trung tâm khuyến nông