Hội nghị giao ban vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XII tại TP Thanh Hóa thành công tốt đẹp - 10:31 22/09/2016

Chia sẻ facebook

Hội nghị giao ban vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XII tại TP Thanh Hóa vừa qua đã thành công tốt đẹp. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị có: Giám đốc Sở KH&CN của các địa phương trong Vùng; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN cùng các cơ quan Trung ương và ban, ngành liên quan.


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tổng kết của Vụ Phát triển KH&CN Địa phương cho biết, trong giai đoạn 2014-2016, tổng chi đầu tư phát triển KH&CN cho 6 tỉnh trong Vùng là 586,8 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, đã có 400 nhiệm vụ KH&CN được triển khai ở tất cả các lĩnh vực bao gồm: Khoa học tự nhiên: 40 nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào công tác điều tra, khảo sát và phân tích điều kiện tự nhiên; Khoa học xã hội: 56 nhiệm vụ, tập trung nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học cho các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; Khoa học nhân văn: 42 nhiệm vụ, chủ yếu hướng vào nội dung nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc; Khoa học kỹ thuật và công nghệ: 67 nhiệm vụ, tập trung nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm chính của các doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường; Khoa học Y dược: 56 nhiệm vụ, tập trung làm chủ và phát triển y tế kỹ thuật cao; Khoa học nông nghiệp: 139 nhiệm vụ, tập trung vào phát triển một số sản phẩm được coi là mũi nhọn, chủ lực của Vùng.

Về công tác xây dựng cơ chế chính sách, các Sở KH&CN đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất. 6/22 doanh nghiệp KH&CN trong Vùng đã được hưởng các chính sách ưu đãi với số tiền miễn giảm gần 20 tỷ đồng.

Về quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, các Sở KH&CN trong vùng đã hướng dẫn hồ sơ cấp phép cho 301 cơ sở; thẩm định, cấp phép, gia hạn hoạt động cho 317 cơ sở đủ tiêu chuẩn về an toàn bức xạ.

Về hoạt động sở hữu trí tuệ, từ năm 2014-2016, đã có 755 đơn đăng ký về sở hữu trí tuệ; 593 văn bằng, chứng chỉ bảo hộ đã được cấp. Trong quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, các tỉnh đã tổ chức kiểm định được 268.679 lượt phương tiện đo; tiến hành thử nghiệm 72.653 mẫu thử nghiệm; 497 đơn vị được cấp chứng chỉ áp dụng hệ thống ISO; hướng dẫn công bố tiêu chuẩn cho 331 sản phẩm.

Về công tác thanh tra KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh đã triển khai 2.148 lượt thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện, xử lý 219 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt lên tới gần 2.500 triệu đồng.

Về phát triển doanh nghiệp KH&CN, trong Vùng, Thanh Hóa là địa phương đi đầu về việc phát triển lực lượng doanh nghiệp KH&CN: có 14 doanh nghiệp ở Thanh Hóa được công nhận là doanh nghiệp KH&CN chỉ trong 2 năm - xếp thứ 3 toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KH&CN (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

Nhiều ý kiến tại Hội nghị đã nhất trí cho rằng, các hoạt động KH&CN của Vùng đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Trong đó ưu tiên các sản phẩm chủ lực, mang tính tiềm năng của từng địa phương trong một số lĩnh vực như nông - lâm ngư nghiệp, công nghiệp xây dựng, y tế… Nhiều kết quả đã được ứng dụng thành công, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vùng Bắc Trung Bộ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức như nguồn nhân lực tại địa phương, nhất là ở vùng núi, chưa qua đào tạo; dù rất giàu sản phẩm chủ lực về thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt nhưng sự tham gia của doanh nghiệp còn mờ nhạt; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật đã được chính quyền các địa phương quan tâm đầu tư nhưng do trình độ sản xuất, trình độ công nghệ chưa cao, mức độ cơ giới hóa chưa đồng đều, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Nhận thức của địa phương về tầm quan trọng của KH&CN và của việc ứng dụng KH&CN đã có chuyển biến mạnh nhưng chưa có các giải pháp cụ thể đưa chính sách KH&CN vào cuộc sống...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, trong thời gian tới, Bắc Trung Bộ cần có nhiều hơn doanh nghiệp ứng dụng KH&CN cũng như đáp ứng được các điều kiện của một doanh nghiệp KH&CN. Đối với vấn đề liên kết vùng và xây dựng thiết chế vùng, dù không phải là công việc dễ dàng nhưng là cần thiết và rất cần sự tham gia, chung tay của các cấp quản lý của chính quyền địa phương.

Đối với những đề xuất của các Sở KH&CN trong Vùng, Bộ trưởng giao cho các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, với tinh thần “coi công việc của địa phương là công việc chung” sẽ sớm tháo gỡ và điều chỉnh để cùng các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng, cả nước nói chung đưa chính sách KH&CN đi vào cuộc sống.
Kết thúc Hội nghị đã diễn ra lễ bàn giao tổ chức Hội nghị lần thứ XIII cho Sở KH&CN Nghệ An. 

Hùng Nguyễn - Sở KH&CN Thanh Hóa