Công nghệ thông tin
(CNTT) đang hứa hẹn sẽ mang lại những bước phát triển đột phá trong sản xuất
cũng như điều hành. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp (DN)
trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN trong
lĩnh vực CNTT đang gặp nhiều khó khăn.
Sinh
viên Lớp tin học tài năng, Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Hồng Đức)
trong giờ học.
Hiện nay, trên địa
bàn tỉnh có khoảng 450 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT, tốc độ tăng trưởng
bình quân khoảng 10%/năm. Đã có một số DN xây dựng được thương hiệu và phát
triển khá thành công trên thương trường, như: Công ty TNHH Minh Lộ, Công ty CP
ThinkLabs, Công ty TNHH G8... Hiện nay, định hướng lớn của tỉnh là đẩy mạnh ứng
dụng CNTT làm nền tảng cải thiện năng lực điều hành, môi trường đầu tư kinh
doanh. CNTT ngày càng hiện diện và đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình
quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN sẽ chuyển dần
các giao dịch truyền thống sang giao dịch trên nền tảng điện tử. Đây sẽ là điều
kiện rộng mở để các DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT khai thác. Tuy nhiên, phần
lớn các DN đang gặp khó ở khâu tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt
khe trong lĩnh vực CNTT.
Công ty CP ThinkLabs,
có trụ sở tại phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) đang có những bước phát triển
khá bài bản trong lĩnh vực này. Công ty hiện đã triển khai thành công phần mềm
giám sát và bảo trì các trạm viễn thông. Một số phần mềm đang được xúc tiến
nghiên cứu, triển khai, như: Phần mềm khám chữa bệnh từ xa, phần mềm đo các chỉ
số môi trường, phần mềm tiếp nhận phản hồi thông tin của người dân...Để chủ
động nguồn nhân lực, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp, như: Quảng bá hình
ảnh, đăng tin tuyển dụng lao động trên tất cả các diễn đàn công nghệ, tạo ra
môi trường làm việc chuyên nghiệp, mức thu nhập cho người lao động có thể cạnh
tranh với các doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh... Tuy nhiên, việc thu hút nguồn nhân
lực thực hiện những dự án có “chất xám” cao cũng đang gặp khó.
Để chủ động nguồn lao động tại chỗ, hiện nay,
một số DN trong tỉnh đang hợp tác với Khoa CNTT - Trường Đại học Hồng Đức triển
khai chương trình hỗ trợ học phí cho sinh viên để ươm tạo nguồn nhân lực phục
vụ cho tương lai. Ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa CNTT - Trường Đại học Hồng Đức,
cho biết: Khoa CNTT đang thực hiện liên kết đào tạo hơn 100 kỹ sư CNTT cho 3
đơn vị: Viễn thông Thanh Hóa, Công ty TNHH Minh Lộ, Công ty CP ThinkLabs. 14
sinh viên có kết quả học tập cao nhất sẽ được miễn 100% học phí; các sinh viên
còn lại được miễn 50% học phí. Nguồn kinh phí hỗ trợ học phí cho sinh viên do
các DN VNPT Thanh Hóa, Công ty TNHH Minh Lộ và Công ty CP ThinkLabs tài trợ.
100% sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên sẽ được nhận vào làm việc tại các
DN.
Về chương trình đào tạo, ngoài các chương
trình học đại cương, khoa CNTT sẽ phân công các giảng viên có trình độ chuyên
môn cao, có kinh nghiệm phát triển phần mềm thực tế trực tiếp tham gia giảng
dạy lớp tin học tài năng này. Đồng thời, đề xuất hợp tác với các DN, các
trường/viện nghiên cứu trong nước để mời dạy các học phần mang tính công nghệ,
các học phần về lập trình; giảng dạy các khóa học về lập trình và các chuyên đề
nâng cao, phát triển ứng dụng phần mềm. Tổ chức đi thực tập sớm (từ năm thứ ba
hoặc cuối năm thứ hai) và các sinh viên này sẽ được làm việc bán thời gian nếu
có đủ năng lực.
Thanh Hóa đang trong
quá trình tái cơ cấu các ngành dịch vụ, trong đó xác định công nghiệp phần mềm,
nội dung số và các sản phẩm dịch vụ CNTT là một trong 6 loại hình dịch vụ cần
ưu tiên để phát triển. Để thực hiện lộ trình này, các ngành liên quan của tỉnh
cần sớm nghiên cứu, triển khai các chính sách, đề án hỗ trợ cho DN trong lĩnh
vực phần mềm, công nghệ số, nhất là vấn đề nhân lực. Thực tế cho thấy, trước
đây, Trường Đại học Hồng Đức đã rất thành công với mô hình liên kết đào tạo tin
học chất lượng cao. Điển hình như lớp tin tài năng khóa 1, 2 đã tạo ra một lực
lượng nòng cốt về nhân sự CNTT cho các cơ quan Nhà nước cũng như cho các DN.
Việc thực hiện liên kết đào tạo là định hướng đúng, tuy nhiên nguồn vốn tự chủ
của các DN trong hoạt động này cũng còn hạn chế. Do đó, các DN rất mong muốn tỉnh
có phương án thu hút, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong
lĩnh vực CNTT để đáp ứng nhu cầu phát triển của các DN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh
công tác truyền thông về lĩnh vực CNTT cho học sinh các trường trên địa bàn
tỉnh, về nhu cầu việc làm, về cơ hội nghề nghiệp, thu nhập sau khi ra trường.
Báo Thanh Hóa