Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ - 09:21 14/09/2018

Chia sẻ facebook

Tài sản trí tuệ (TSTT) là yếu tố thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh. Bảo hộ và phát triển TSTT là tạo công cụ pháp lý nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, ngành chức năng của tỉnh không ngừng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển TSTT và đã phát triển thành công không ít TSTT là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.


Sản phẩm “Nón lá Trường Giang” (Nông Cống) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. 

      Để thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về khoa học và công nghệ (KH&CN) trong đó, có những nội dung về phát triển TSTT và đã ưu tiên đến nhóm các đặc sản địa phương nhằm hình thành các thương hiệu đặc sản của tỉnh. Đặc biệt là Quyết định số 3404/QĐ-UBND ngày 16-10-2012 và Quyết định số 4369/QĐ-UBND, ngày 8-11-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển TSTT giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được triển khai, duy trì thường xuyên, liên tục và có chiều sâu, góp phần tạo chuyển biến nhận thức về SHTT của cán bộ các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là TSTT đối với các đặc sản địa phương. Việc hỗ trợ đăng ký xác lập quyền SHTT các đặc sản trong tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Trong 5 năm gần đây, nhiều dự án về SHTT được triển khai thực hiện, đạt kết quả khả quan, như: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu Chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), nước mắm Do Xuyên - Ba Làng (Tĩnh Gia), bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân); đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, như: Bưởi Luận Văn (Thọ Xuân), tơ lụa Hồng Đô (Thiệu Hóa), nón lá Trường Giang (Nông Cống)... Tính riêng trong năm 2017, Sở KH&CN đã hướng dẫn cho 65 tổ chức, cá nhân về quyền sở hữu công nghiệp; hướng dẫn cho Công ty CP Giấy Ánh Mai giải quyết kiến nghị về việc một số hộ dân tự ý sử dụng trái phép nhãn hiệu chứng nhận “Rượu làng Quảng Xá”. Hướng dẫn UBND huyện Bá Thước xây dựng hồ sơ thuyết minh Dự án: “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Cổ Lũng cho sản phẩm vịt của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa”... Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển gần 20 chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc sản địa phương; hỗ trợ ứng dụng 1 giải pháp hữu ích để sản xuất gạch không nung từ bột đá phế thải; tập huấn cho hàng trăm lượt người về SHTT. Sau khi được đăng ký bảo hộ quyền SHTT, Sở KH&CN đã hướng dẫn các địa phương tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh. Theo đó, một số sản phẩm như “Tơ Hồng Đô”, “Chè lam Phủ Quảng” đã được giới thiệu ra các thị trường nước ngoài và được bạn bè quốc tế quan tâm. Ngoài ra, hàng năm, Sở KH&CN hướng dẫn UBND các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân và Thường Xuân đã được bảo hộ các chỉ dẫn địa lý “Chiếu cói Nga Sơn”; “Mắm tôm Hậu Lộc”, “Bưởi Luận Văn” và “Quế Ngọc Thường Xuân” xây dựng và triển khai các mô hình liên kết sản xuất, phát triển các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, việc quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm đã được bảo hộ TSTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm chủ yếu vẫn được tiêu thụ ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các thị trường nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do các rào cản thương mại, chính sách pháp luật của nước sở tại và kinh phí để theo đuổi việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài. Các địa phương nơi có sản phẩm được bảo hộ chưa vận hành tốt hệ thống công cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý để xây dựng và triển khai các mô hình liên kết sản xuất, phát triển các sản phẩm đã được bảo hộ TSTT theo chuỗi giá trị. Trong khi đó, tình trạng xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hàng kém chất lượng, hàng giả nhãn hiệu, tranh chấp tên thương mại ở tỉnh vẫn xảy ra... Điều này, đòi hỏi ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Đặc biệt, quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020 tỉnh Thanh Hóa với 5 nội dung trọng tâm: Tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực về SHTT cho các tổ chức, cá nhân; hỗ trợ xác lập, quản lý, khai thác và phát triển TSTT cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN và sáng kiến nhằm phát triển sản phẩm mới và nâng cao khả năng cạnh tranh; khai thác thông tin về SHTT phục vụ nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh; tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, thực thi quyền SHTT và hợp tác về SHTT.

                                                                                                                                                                  Phòng Thông tin KH&CN