Cùng với các lĩnh vực
nông nghiệp, y dược, công nghệ thông tin..., lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT),
ứng phó với biến đổi khí hậu đã, đang được ngành chức năng, các tổ chức, đơn vị
khoa học công nghệ (KHCN) trong tỉnh quan tâm, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN
nhằm nâng cao hiệu quả BVMT trong sản xuất và đời sống.
Ứng dụng KH&CN trong vận hành hệ thống xử lý nước thải tại
Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh.
Theo thống kê, trong 5 năm gần đây,
toàn tỉnh có gần 20 nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu
được triển khai thực hiện. Tính riêng trong năm 2017, có 6 nhiệm vụ được triển
khai với tổng kinh phí hơn 12,1 tỷ đồng, trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học
là trên 6,4 tỷ đồng. Các nhiệm vụ KHCN đã tập trung nghiên cứu, đánh giá, dự
báo một số ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, đánh giá nguồn phát thải;
xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng tái tạo, mô hình tiết kiệm năng lượng,
đưa ra các giải pháp xử lý, thích ứng cũng như giảm thiểu tác động của các chất
thải đến môi trường. Đơn cử như xây dựng mô hình khai thác năng lượng mặt trời
và sức gió để tạo ra nguồn điện tại chỗ cung cấp cho bộ đội đảo Mê; mô hình xử
lý nước thải sinh hoạt tại nguồn ở Khu du lịch Sầm Sơn; nghiên cứu xác định
được nguyên nhân sụt lún đất, khoanh vùng nguy cơ sụt lún đất tại các huyện Hà
Trung, Hậu Lộc, Tĩnh Gia và Thường Xuân, đồng thời đưa ra các giải pháp phòng,
chống và giảm nhẹ thiệt hại do sụt lún đất; điều tra đánh giá hiện trạng nguồn nước
thải trong nông nghiệp, công nghiệp và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm
môi trường nước sông Mã, sông Chu. Một số đơn vị đã đầu tư công trình xử lý
nước thải bằng phương pháp vi sinh đem lại hiệu quả cao như, Nhà máy Đường Lam
Sơn, Nhà máy Bia Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tâm thần. Bên
cạnh đó, nhiều đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống lọc bụi túi vải, lọc bụi tĩnh
điện, lọc bụi bằng cyclon màng nước, cyclon khô để xử lý bụi, khí thải phát
sinh trong quá trình hoạt động như Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy Xi măng
Nghi Sơn...
Được biết, cùng với việc nghiên cứu các giải
pháp BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, hàng năm, toàn tỉnh có từ 30-40 dự án
đầu tư được xem xét, thẩm tra về công nghệ bảo vệ môi trường, như: Xử lý nước
cấp, xử lý nước thải, rác thải y tế, rác thải, nước thải sinh hoạt; xử lý triệt
để ô nhiễm môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật... Việc tổ chức
kiểm tra, thẩm định công nghệ cho các dự án đầu tư đã giúp các chủ đầu tư lựa
chọn và hoàn thiện công nghệ, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường khả thi và
hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiệu quả BVMT trên địa bàn tỉnh bảo đảm cho quá
trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phòng Thông tin KH&CN