Để khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành
khâu đột phá cho sự phát triển, cùng với công tác tuyên truyền, nhiều năm qua,
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới, bổ sung cơ chế,
chính sách phát triển KH&CN. Đồng thời, ban hành nhiều đề án, chương trình,
kế hoạch cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn trên tất cả các lĩnh vực
thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành KH&CN. Đặc biệt, ngày 7-12-2017, HĐND
tỉnh ban hành Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND về “Chính sách khuyến khích phát
triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Thanh Hóa đến năm 2020”. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát
triển, ứng dụng KH&CN, làm cho KH&CN thực sự trở thành động lực cho sự
phát triển.
Hoạt động sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá, sỏi của
Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Liên.
Với mục tiêu nâng cao năng lực KH&CN; đẩy
mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; phát
triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị trên quy
mô lớn; thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm có hàm lượng KH&CN
cao, tạo đột phá về ứng dụng khoa học, “Chính sách khuyến khích phát triển
KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh
Hóa đến năm 2020” đã đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ, như: Hỗ trợ nghiên cứu, sản
xuất giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất dược phẩm mới, thực
phẩm chức năng mới từ dược liệu trồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nghiên cứu, sản
xuất phần mềm ứng dụng; hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất một số sản
phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh tốt; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao
trong đánh bắt hải sản xa bờ... Và, để sớm đưa chính sách vào thực tiễn, UBND
tỉnh đã ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 1-3-2018 về các biện pháp
thực hiện Nghị quyết 81 của HĐND tỉnh. Sở KH&CN cũng đã có Hướng dẫn số
246/HD-SKHCN ngày 5-4-2018 về tài liệu trong hồ sơ hỗ trợ chính sách. Đồng
thời, đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn UBND cấp
huyện, các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện chính sách; khảo sát, lập
cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm năng thụ hưởng
chính sách...
Theo thống kê, đến nay, Sở KH&CN đã tiếp
nhận 33 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ thuộc nhóm chính sách
khuyến khích về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ
thuật; nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới; đổi mới công nghệ - thiết bị. Trên cơ
sở các hồ sơ đề nghị cũng như thông qua hội đồng thẩm định điều kiện hồ sơ, Chủ
tịch UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 21 hồ sơ ở các lĩnh vực như
nhận chuyển giao kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị; đổi mới công nghệ -
thiết bị trong sản xuất cát nhân tạo; ứng dụng công nghệ cao làm hầm tàu đánh
bắt cá bằng PU foam trong đánh bắt hải sản xa bờ... với tổng kinh phí hỗ trợ
hơn 27,4 tỷ đồng. Có thể thấy, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp,
các ngành, qua một năm thực hiện Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND về “Chính sách
khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh
tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” của HĐND tỉnh đã đạt được những kết
quả bước đầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH&CN, đây là năm đầu tiên
triển khai thực hiện chính sách nên không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế,
như việc giải ngân kinh phí sự nghiệp khoa học thực hiện chính sách còn chậm; số
lượng hồ sơ, nội dung lĩnh vực đề nghị thụ hưởng chính sách của các tổ chức, cá
nhân gửi đến Sở KH&CN chưa nhiều; một số hồ sơ gửi đến chưa đạt chuẩn, phải
bổ sung nhiều lần...
Xã hội càng phát triển vai trò “đòn bẩy” của
KH&CN càng được thể hiện rõ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính sách
khuyến khích phát triển KH&CN theo Nghị quyết 81 của HĐND tỉnh ra đời và đi
vào thực tiễn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Song, để chính sách phát huy hiệu
quả, góp phần đưa KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh Thanh Hóa như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề
ra, cùng với kết quả bước đầu, trong thời gian tới, ngành chức năng, cấp ủy
chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ
biến sâu rộng chính sách đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là
những đối tượng có tiềm năng để các đối tượng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và
chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, đổi
mới công nghệ - thiết bị phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo
chuỗi giá trị quy mô lớn. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân có đủ điều kiện, lập và gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định, đảm bảo
nội dung, mục tiêu của chính sách. Ngoài ra, ngành chức năng, nhất là Sở
KH&CN, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan cần nắm bắt kịp thời những khó
khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách từ đó tham mưu, đề xuất
HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Nguồn: Báo Thanh Hóa