Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và quảng bá di sản Thành nhà Hồ - 15:31 22/02/2019

Chia sẻ facebook

Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ tọa lạc trên tổng diện tích 5.078,5 ha (gồm vùng lõi rộng 155,5 ha với Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao; vùng đệm rộng 4.923 ha). Di sản nằm trên địa phận 8 xã là Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh và thị trấn Vĩnh Lộc.


Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (ngày 27-6-2011), tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với nhiều bộ, ngành Trung ương, cũng như mở rộng hợp tác với UNESCO và các tổ chức quốc tế trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn di sản. Bên cạnh việc chủ động xây dựng cơ chế pháp lý bảo vệ di sản, Thanh Hóa cũng tích cực tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế từ Trung tâm di sản thế giới Anh, để xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý di sản Thành Nhà Hồ giai đoạn 2010 – 2030, với những giải pháp quản lý, bảo vệ, khai thác cho toàn bộ vùng lõi, vùng đệm, vùng phụ cận. Ngoài ra, còn phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản tiến hành khảo sát, lập đề án và thực hiện xây dựng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số để quản lý di sản...Hơn 7 năm Thành Nhà Hồ được vinh danh, một khối lượng công việc lớn đã hoàn thành và đang tiếp tục triển khai. Đó là quy hoạch tổng thể và chi tiết Di sản Thành Nhà Hồ; nghiên cứu khai quật vùng đề cử di sản; tu bổ, tôn tạo cấp thiết Đàn tế Nam Giao; tu bổ tôn tạo di tích Giếng Vua; khai quật và xây dựng nhà trưng bày ngoài trời công trường khai thác đá cổ An Tôn; xây dựng nhà trưng bày bảo quản hiện vật bổ sung di sản Thành Nhà Hồ; xây dựng khu tưởng niệm các vua Hồ tại Đàn tế Nam Giao; đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường giao thông dẫn vào các di tích và phục vụ khách tham quan Thành Nhà Hồ... Đặc biệt, là việc nghiên cứu, khai quật tổng thể di sản Thành Nhà Hồ giai đoạn 2013 - 2020, với tổng diện tích lên đến 56.000m2 (gồm Thành Nội, đường Hoàng gia, Hào thành...). Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và vô cùng nặng nề, đòi hỏi kinh phí lớn và quy trình thực hiện phức tạp.

Có thể nói, chính độ bao phủ rộng của di sản, cộng với khối lượng công việc lớn phải thực hiện, đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản của Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ. Do đó, việc ứng dụng công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin, phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn, cũng như quảng bá di sản đang được đặt ra đối với Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Xuất phát từ yêu cầu trên, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Viện Khảo cổ học và các chuyên gia quốc tế tiến hành khảo sát, lập đề án xây dựng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu (MAP GIS) cho di sản. Đây là bản đồ hệ thống thông tin địa lý, được xây dựng trên một hệ cơ sở dữ liệu thống nhất giữa thông tin bản đồ và thông tin thuộc tính.

Việc tạo ra một hệ thông tin thống nhất sẽ có tác dụng to lớn trong công tác quản lý, quy hoạch và bảo tồn di sản. Đồng thời, cung cấp cho các nhà quản lý, quy hoạch một công cụ mới để nghiên cứu, phân tích thế giới thực một cách có hệ thống, nhằm phục vụ mục đích bảo tồn nguồn tài nguyên di sản hiện có, cũng như trợ giúp quyết định và hoạch định chính sách của các cấp lãnh đạo. Đề án được triển khai từ năm 2013, tập trung vào việc xây dựng bản đồ khảo cổ học chiến lược cho khu vực đề cử và bảo vệ đặc biệt của di sản (Hoàng thành, La Thành, Đàn tế Nam Giao, đường Hoàng gia). Các giai đoạn tiếp theo của đề án tập trung xây dựng các loại bản đồ phục vụ công tác quản lý di sản cho vùng đệm.

Cùng với nhiệm vụ hàng đầu là quản lý, bảo tồn di sản, công tác phát huy giá trị di sản cũng đang được tỉnh Thanh Hóa đặt ra. Theo đó, Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 12-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch”, đã tạo cơ sở pháp lý và tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện song song cả hai nhiệm vụ nêu trên. Quy hoạch hướng đến bảo tồn một cách hiệu quả và tôn vinh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Thành Nhà Hồ. Đồng thời, quy hoạch không gian phát huy giá trị di sản và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch một cách bền vững. Trong định hướng phát triển du lịch, Thành Nhà Hồ luôn nằm trong các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh. Cùng với đó, Thanh Hóa cũng đang tích cực xúc tiến, quảng bá nhằm kết nối Thành Nhà Hồ với các tour, tuyến du lịch trong cả nước, đặc biệt là “con đường di sản miền Trung” – một trong những tuyến du lịch trọng điểm của khu vực.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, bên cạnh các nhiệm vụ khai quật khảo cổ, bảo tồn, tôn tạo các di tích liên quan, hay đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch...; thì tăng cường ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong xúc tiến, quảng bá di sản là vô cùng cần thiết. Nhằm mục đích cung cấp và cập nhật thường xuyên các thông tin liên quan đến di sản cho nhân dân, du khách và bạn bè quốc tế, tháng 10-2012, website http//www.thanhnhaho.vn đã ra đời. Đến nay, trang web về di sản đã bảo đảm việc cập nhật, đăng tải và giúp du khách truy cập thuận tiện mọi thông tin liên quan đến Thành Nhà Hồ. Đồng thời, việc tích hợp nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản, đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin về di sản; cũng như góp phần tuyên truyền, quảng bá về di sản một cách hiệu quả.

Đặc biệt, mới đây, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng và đưa vào triển khai ứng dụng tham quan 3D di sản trên website http//www.thanhnhaho.vn. Với những du khách chưa có dịp về di sản thì ứng dụng này có thể ví như một cuộc khám phá và trải nghiệm nho nhỏ và thú vị về di sản trên không gian mạng. Du khách có thể khám phá di sản từ trên cao, để bao quát cả một vùng rộng lớn nơi di sản đứng chân. Đó là một khung cảnh vô cùng hài hòa, sống động của tòa thành đá trên 600 năm tuổi giữa xóm thôn, làng mạc, cánh đồng. Hoặc, bằng vài thao tác giản đơn, du khách có thể khám phá từng di tích, hiện cụ thể, bao gồm các bức tường thành, hào thành, 4 cổng thành, trung tâm thành, hệ thống đường, ao hồ trong hoàng thành... Có thể nói, ứng dụng này là một bước tiến mới trong công tác quảng bá du lịch tại di sản.

Những kết quả đạt được nhờ ứng dụng công nghệ vào quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ là không thể phủ nhận. Song, bấy nhiêu là chưa đủ khi còn rất nhiều phần việc, nhiều nhiệm vụ cần được thực hiện đúng theo cam kết của tỉnh Thanh Hóa với UNESCO và ICOMOS. Đồng thời, để bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả di sản, xứng với giá trị và tầm vóc của nó, thiết nghĩ, tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm, cũng như rất cần sự quan tâm của Trung ương, thông qua các chính sách và nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa.

                                                                                                                   Nguồn: Báo Thanh Hóa