Áp dụng công nghệ mới nuôi cấy vi sinh vật xử lý ô nhiểm nito trong nước thải bệnh viện đa khoa Như Thanh - 15:41 22/03/2019

Chia sẻ facebook

Thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ mới xây dựng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải và tăng cường chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa”, Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh được đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh kết hợp lọc nhỏ giọt cấp khí tự nhiên. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, hệ thống này đã phát huy hiệu quả, cơ bản khắc phục được ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường do nguồn nước thải y tế gây ra.


Hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt cấp khí tự nhiên tại Bệnh viện

Đa khoa huyện Như Thanh.

Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh là bệnh viện tuyến huyện hạng II, với chỉ tiêu giường bệnh được giao là 90 giường bệnh, thực kê trên 200 giường bệnh. Trung bình hàng ngày, bệnh viện có lượng nước thải khoảng 30m3. Trước năm 2016, lượng nước thải này được xử lý theo phương pháp tự ngấm, không đảm bảo các tiêu chí bảo vệ môi trường. Quý I năm 2016, hệ thống xử lý nước thải mới tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Theo đó, nước thải bệnh viện được thu gom về hệ thống hố thu, các bể chứa điều hòa, trộn phản ứng keo tụ, lắng sơ cấp. Sau đó, nước thải được pha trộn với dung dịch Javen, được bơm hút vào các bể lắng thứ cấp và khử trùng bằng men vi sinh phân hủy nitơ và chuyển hóa hoàn toàn hàm lượng amoni trước khi thải ra môi trường. Điểm nổi bật trong xử lý nước thải của hệ thống là thực hiện nuôi cấy vi sinh có khả năng phân hủy nitơ cao nhằm chuyển hóa hoàn toàn hàm lượng amoni trong nước thải. Việc làm này được thực hiện ngay từ bể chứa điều hòa với lợi thế từ 2 bơm tuần hoàn liên tục để cung cấp không khí cho quá trình sinh trưởng của vi sinh vật. Vi sinh được chế thành dạng chế phẩm sinh học có tên BCP 655 được kích hoạt đựng trong các túi tự tiêu hủy khi có xúc tác với nước thải. Từ việc thực hiện công đoạn nuôi cấy vi sinh, kết quả phân tích hàm lượng NH4+ trong thước thải đầu ra đều nằm trong mức cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế.

Được biết, hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh có công suất 50m3/ngày, đêm với chi phí đầu tư máy móc, thiết bị gần 1,75 tỷ đồng. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc xử lý nước thải y tế bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt, nuôi cấy bổ sung vi sinh không cần bơm bùn và máy thổi khí, vận hành đơn giản, chi phí thấp. Sau khi đưa vào hoạt động, hệ thống vận hành ổn định, xử lý tốt chất thải lỏng, đặc biệt là chất thải nguy hại từ bệnh viện. Nước thải sau xử lý bảo đảm đạt các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế - QCVN 28:2010/BTNMT. Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Mạnh Huân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh cho hay: Hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện sử dụng công nghệ sinh học nhỏ giọt cải tiến, công nghệ này có chi phí vận hành thấp, hiệu quả cao. Từ khi hệ thống xử lý nước thải đưa vào hoạt động bệnh viện đã chủ động được công tác chống nhiễm khuẩn. Đặc biệt, quá trình vận hành đã giải quyết triệt để vấn đề chất thải y tế nguy hại trong bệnh viện, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế lây lan dịch bệnh trong bệnh viện nói riêng và trong cộng đồng dân cư nói chung cũng như tạo điều kiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh vì sự phát triển bền vững của bệnh viện.

Cũng theo bác sĩ Huân, để phát huy hiệu quả cao nhất của hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ mới này, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ thực hiện bảo dưỡng thường xuyên, triển khai vận hành hệ thống theo đúng quy trình. Đặc biệt là trong các bước như pha dung dịch keo tụ PAC, dung dịch trợ keo tụ Polimer, dung dịch Hydrclorit (Javen); vận hành điều khiển bơm điều hòa, bơm nước thải... Được biết hiện nay, ngoài việc xử lý nước thải bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt, nuôi cấy bổ sung vi sinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh còn đầu tư hệ thống bảo quản tập kết rác thải y tế để vận chuyển tới điểm xử lý tập trung tại huyện Nông Cống, nhờ đó, giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh, suy thoái môi trường do nước thải, rác thải y tế gây ra.

                                                                                                                                  Nguồn: Báo Thanh Hóa