Hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia - 10:59 12/06/2019

Chia sẻ facebook

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), những năm qua, cùng với sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, sự cố gắng của các tổ chức, cá nhân, sự nghiệp KH&CN của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.


Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa.

Nhiều nhiệm vụ KH&CN, trong đó có các nhiệm vụ cấp quốc gia đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Được sự đồng ý của Bộ KH&CN, năm 2016, Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa (Thephaco) đã triển khai thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất biofil và hyđan”. Sau 2 năm triển khai dự án, Thephaco đã làm chủ và ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới, tiên tiến như: Công nghệ sản xuất và bảo quản cao khô men bia định chuẩn; công nghệ Blow-fill-seal (phương pháp tự động tạo hình và đóng gói sản phẩm dạng lỏng); công nghệ tiệt khuẩn dung dịch thuốc biofil trước khi đóng ống nhựa; công nghệ sản xuất viên nén và viên nang hydan... Cũng thông qua dự án, Thephaco đã bào chế được dạng thuốc mới, tiện dụng, có chất lượng cao, số lượng ổn định. Thành công của dự án còn giúp Thephaco mở rộng quy mô sản xuất biofil (thuốc bổ dưỡng giúp tăng cường sức khỏe) lên 5-7 triệu ống/tháng, hyđan (thuốc chữa phong tê thấp) lên 145 triệu viên/năm, tạo việc làm ổn định cho 70-80 lao động với mức thu nhập 5,3 triệu đồng/người/tháng. Với sản phẩm hyđan, thành công của dự án còn góp phần vào việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu ở trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Trước hết là phát triển các giống mã tiền, hy-thiêm, ngũ gia bì đạt tiêu chuẩn GACP. Từ việc đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ cũng như sự nỗ lực của mỗi cán bộ, công nhân viên, thương hiệu của Thephaco đã được khẳng định trên thị trường Việt Nam với doanh thu bình quân 800 tỷ đồng/năm, thuộc tốp 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất Việt Nam.

Cũng từ việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, những năm gần đây, Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta đã đầu tư tự cải tiến và thay đổi công nghệ sản xuất từ bóng da bò sang công nghệ sản xuất bóng đá bằng da nhân tạo. Đặc biệt, năm 2017 công ty đã nghiên cứu và thay thế hoàn toàn da nhân tạo bằng da PU. Với công nghệ mới này, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm được nâng lên rõ rệt từ độ bền, độ nảy, độ tròn, chu vi, độ thấm nước đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn FIFA. Sau khi chuẩn hóa và đưa vào ứng dụng, không những nâng cao công suất của nhà máy, công nghệ này còn giảm chi phí sản xuất đáng kể. Nhiều đối tác nước ngoài đánh giá cao sản phẩm bóng của Delta bởi chất lượng sản phẩm tốt, hình thức đa dạng. Hiện, sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang 32 quốc gia có nền kinh tế phát triển trên khắp các châu lục, như: Hungari, Braxin, Hàn Quốc, Chi-Lê, Đan Mạch, Mỹ, Đức...

Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa hay Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta là những đơn vị tiêu biểu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia áp dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất. Theo thống kê của Sở KH&CN, mỗi năm toàn tỉnh có hàng chục nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện. Tính riêng trong năm 2018, toàn tỉnh có 26 nhiệm vụ được triển khai thực hiện (cả nhiệm vụ chuyển tiếp và nhiệm vụ mới). Tổng kinh phí triển khai thực hiện 26 nhiệm vụ là trên 312 tỷ đồng, trong đó, ngân sách khoa học Trung ương là 105,507 tỷ đồng, ngân sách khoa học của địa phương tham gia đối ứng là hơn 6 tỷ đồng và kinh phí của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là trên 200 tỷ đồng. Các nhiệm vụ cấp quốc gia được triển khai thực hiện đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương tiếp nhận, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất, như: Mô hình sản xuất lúa, gạo an toàn bền vững; sản xuất mía, cam, hoa cây cảnh (lan rừng, lan bản địa)...; bảo tồn và phát triển nguồn gen của các loài cây dược liệu quý (Lan gấm, giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, khôi tía, cà gai leo, cỏ ngọt...); nhân rộng các mô hình nuôi trồng các con nuôi mới có giá trị kinh tế cao trong lĩnh vực thủy sản (ốc hương, cá chình, nuôi cá lồng trên các hồ chứa thủy lợi); hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, như một số sản phẩm thực phẩm chức năng từ sinh khối tảo của Công ty CP Long Phú, gạch ốp lát cao cấp của Công ty Vicenza, phân hữu cơ vi sinh Polyfe của Công ty CP Đầu tư thương mại Thành Lộc. Bên cạnh đó, một số đề tài nghiên cứu các giải pháp để phục hồi và phát triển bền vững rừng phòng hộ ven biển; phát triển TP Thanh Hóa theo hướng đô thị xanh – thông minh...

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trong thời gian tới, nhiều giải pháp đã được ngành chức năng triển khai thực hiện, như: Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Lựa chọn những tổ chức, cá nhân có đủ năng lực quản lý, điều hành triển khai các nhiệm vụ bảo đảm đúng tiến độ, nội dung khoa học của đề tài, dự án. Ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ mang tính bức thiết và giải quyết kịp thời những khó khăn do thực tiễn đặt ra. Được biết, trong năm 2019, ngành KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN thực hiện 16 nhiệm vụ thuộc các chương trình quốc gia, hiện, đã có 7 nhiệm vụ được Bộ KH&CN phê duyệt danh mục.

                                                                                                          Thanh Tâm ( Báo KH&CN Thanh Hóa)