Quyết định số
38/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành “Quy định về Giải thưởng khoa
học và công nghệ (KH&CN) Thanh Hóa” nhằm tạo dựng phong trào nghiên cứu
khoa học, đẩy mạnh ứng dụng, cũng như vận động, tuyên truyền, khuyến khích,
động viên, thu hút đội ngũ nhân lực KHCN và các tầng lớp nhân dân tham gia vào
hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời là cơ sở để
lựa chọn các công trình nghiên cứu tại Thanh Hóa tham gia Giải thưởng Hồ Chí
Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
Ứng dụng
tiến bộ khoa học - kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại trong phẫu thuật bệnh lý
tim, mạch tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Quy định gồm 5 chương, 18 điều với nhiều nội
dung quan trọng, như: Đối tượng áp dụng với tác giả, đồng tác giả là người Việt
Nam, người nước ngoài có công trình, cụm công trình KH&CN trên các lĩnh vực
được công bố, ứng dụng hiệu quả lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đáp
ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có
liên quan trong việc xét tặng giải thưởng. Công trình được xét tặng giải thưởng
gồm 3 loại hình công trình, gồm: Công trình nghiên cứu khoa học, công trình
nghiên cứu phát triển công nghệ, công trình ứng dụng công nghệ và được đánh giá
trên 2 tiêu chí, giá trị công nghệ và giá trị thực tiễn ở các mức độ khác nhau.
Đơn cử như, đối với công trình nghiên cứu phát triển công nghệ về giá trị công
nghệ, công trình phải giải quyết được các vấn đề then chốt để cải tiến, đổi mới
công nghệ, tạo ra sản phẩm mới với các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản cao
hơn công nghệ tương tự đang ứng dụng trong tỉnh. Về giá trị thực tiễn, từ kết
quả nghiên cứu của công trình, ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế
cao được thể hiện thông qua các chỉ tiêu như giảm 10% chi phí trở lên, tăng lợi
nhuận 10% trở lên; hoặc có ít nhất 1 đơn vị đã ký hợp đồng tiếp nhận chuyển
giao công nghệ là kết quả của công trình nghiên cứu. Tạo ra sản phẩm chủ lực
của địa phương, sản phẩm có thương hiệu xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu hoặc
tạo ra sản phẩm mới, góp phần nâng doanh thu của doanh nghiệp trong năm đạt 10%
trở lên... Cũng theo quy định, cơ cấu giải thưởng gồm giải vàng, giải bạc và
giải đồng. Tổng số giải của mỗi đợt xét tặng tối đa 10 giải. Giải thưởng được
xét tặng 3 năm 1 lần, công bố và trao giải vào Ngày KH&CN Việt Nam (18-5),
trao giải lần đầu tiên vào năm 2020.
Để thực thi quy định, mới đây UBND tỉnh đã ban
hành Kế hoạch số 95/KH-UBND về việc xét tặng Giải thưởng KH&CN Thanh Hóa
năm 2020. Theo kế hoạch, hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng được lập thành 2 bộ
và gửi về sở, ngành hoặc UBND huyện, thị xã, thành phố (tùy theo địa phương
hoặc ngành đã ứng dụng kết quả của công trình). Thời gian tiếp nhận hồ sơ đến
hết ngày 31-9-2019 (trực tiếp hoặc tính theo dấu bưu điện đối với các hồ sơ gửi
qua đường bưu điện). Thời gian tổ chức họp hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ
sở từ ngày 1 đến 30-10-2019. Gửi hồ sơ về cơ quan thường trực giải thưởng (Sở
KH&CN) để tổng hợp đến hết ngày 30-11-2019. Lễ công bố và trao giải dự kiến
sẽ tổ chức vào ngày 18-5-2020.
Trong những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến,
cải tiến kỹ thuật cũng như tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật, tham gia Giải
thưởng KH&CN Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã “gặt hái” được nhiều thành quả. Trong
3 năm gần đây, không ít công trình, giải pháp đạt giải tại hội thi, cuộc thi,
giải thưởng sáng tạo trong tỉnh và trong nước đã được ứng dụng hiệu quả vào
thực tiễn. Tiêu biểu, như công trình “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật tim hở
điều trị bệnh tim bẩm sinh (thông liên thất) tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa” của
nhóm tác giả Nguyễn Viết Hải, Nguyễn Hữu Thành, Mai Đình Duyên, Nguyễn Thị
Thái, Lê Xuân Cường, Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa; giải pháp “Phần mềm hỗ trợ
học tập hóa học CLS-TR” của nhóm tác giả Ngô Quang Trọng, Lê Ích Tâm, Trường
THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương); giải pháp “Nghiên cứu công nghệ tiên
tiến, bào chế thuốc nhỏ mắt Eyethepharm có tác dụng phòng ngừa và điều trị các
bệnh đau mắt, ngứa mắt, khô rát mắt, loại bỏ bụi bẩn, ghèn rỉ ở mắt” của nhóm
tác giả Lê Văn Ninh, Nguyễn Danh Quý, Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa;
công trình “Sản xuất viên nén từ phế liệu nông, lâm nghiệp làm nhiên liệu đốt
lò hơi” của tác giả Vũ Văn Kiên và cộng sự Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta...
Kết quả này sẽ là tiền đề
quan trọng để Quy định về Giải thưởng KH&CN Thanh Hóa đi vào thực tiễn mang
lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, động viên, khích lệ, thúc đẩy phong trào lao
động sáng tạo về khoa học - kỹ thuật của cán bộ, viên chức, nhà khoa học, doanh
nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh; để các ý tưởng sáng tạo trở thành nền
tảng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; để các nhà khoa học, tổ
chức, cá nhân có thêm nhiều đóng góp cho sự nghiệp KH&CN tỉnh nhà.
Nguồn: Báo Thanh Hóa