Hiện nay, với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng phát triển, cuộc cách mạng sản xuất mới đang gắn liền với những đột phá về công nghệ vừa là thách thức và cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp (DN) trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong việc tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại xưởng sản xuất của
Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta.
Để các DN bắt kịp với cuộc cách mạng khoa học công nghệ, ngoài sự nỗ lực từ mỗi DN, nhiều chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư cho KH&CN cũng đã được ban hành, cuối năm 2017, chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 cũng chính thức được ban hành và đi vào thực tiễn. Theo đó, các DN của tỉnh sẽ được hỗ trợ cho các nội dung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, đổi mới thiết bị công nghệ... với mức hỗ trợ đối đa lên tới 6 tỷ đồng. Đặc biệt, nhằm khuyến khích phát triển DN KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, ngày 17/12/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển DN KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020”. Từ khi triển khai thực hiện chương trình đến nay, toàn tỉnh đã có 8 DN KH&CN mới được thành lập và cấp giấy chứng nhận DN KH&CN, nâng tổng số DN KH&CN trong toàn tỉnh lên 26 DN. Chương trình cũng đã hỗ trợ 42 DN, trong đó có 15 DN KH&CN thực hiện 46 nhiệm vụ KH&CN các cấp, qua đó, không ngừng tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, từ chương trình “Ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, năm 2018 và 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt 20 đề tài, dự án KH&CN với tổng kinh phí lên tới122 tỷ đồng, trong đó, có 19 đề tài, dự án do DN là đơn vị chủ trì thực hiện và 1 đề tài do DN là đơn vị phối hợp thực hiện và thụ hưởng kết quả. Các DN được hỗ trợ kinh phí từ chương trình đã tiếp cận quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGap và xây dựng thành công các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lưới Taki, sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả, được chứng nhận VietGap tại huyện Quảng Xương của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới; mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại huyện Đông Sơn của Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36... Thông qua thực hiện các dự án đã hình thành mô hình liên kết hợp tác hiệu quả giữa “4 nhà”, (DN, nông dân, nhà khoa học và nhà quản lý) trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, như: Mô hình hợp tác, liên kết sản xuất lúa Nếp Cẩm tại các huyện miền núi Thanh Hóa theo tiêu chuẩn VietGap, gắn với xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Công ty TNHH Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Việt Thanh; mô hình nhân giống và sản xuất các giống Cam V2, CT36, BH chất lượng cao của Công ty CP Mía đường Lam Sơn...
Từ các chính sách hỗ trợ cùng với việc phát huy nội lực của mỗi DN, hy vọng trong những năm tới, các DN trên địa bàn tỉnh sẽ không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, hướng đến sự phát triển bền vững.
Hải Yến (Phòng Thông tin KH&CN)