Khoa
học và công nghệ (KH&CN) được xem là “chìa khóa” mở ra cánh cửa phát triển
cho nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Nhận thức được điều đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác
định, một trong 4 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020 là “Nâng cao năng lực
nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) phục
vụ phát triển kinh tế - xã hội”
Mô hình trồng
dưa trong nhà lưới của Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ
cao Lam Sơn mang lại
hiệu quả kinh tế cao.
Ngày 9-11-2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch
hành động số 169/KH-UBND thực hiện khâu đột phá; trong đó xác định cụ thể các
mục tiêu chủ yếu, nội dung và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban,
ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị triển
khai thực hiện. Theo Kế hoạch 169, tỉnh đã ban hành 9/10 đề án, chính sách,
chương trình kế hoạch; ban hành các văn bản pháp quy nhằm triển khai đồng bộ
các nội dung, giải pháp thực hiện khâu đột phá về phát triển KH&CN. Sau gần
5 năm triển khai, hoạt động KH&CN được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong
phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Số cán bộ
nghiên cứu tăng 8% so với năm 2015; doanh nghiệp KH&CN phát triển nhanh về
số lượng, đứng thứ 3 toàn quốc và năm 2020 dự kiến tăng gấp 3 lần so với năm
2015. Giai đoạn 2016-2020, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công
nghiệp ước tăng 25%, văn bằng bảo hộ tăng 28,4%, kinh phí từ ngân sách tỉnh cho
KH&CN tăng gấp 1,4 lần; đã triển khai 33 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia,
tăng hơn 2 lần so với giai đoạn 2011-2015. Thông qua yếu tố năng suất tổng hợp,
hoạt động KH&CN đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, vượt
mục tiêu 30-35%; có 50 sản phẩm địa phương được xây dựng tiêu chuẩn và được bảo
hộ về sở hữu trí tuệ; 100% dự án đầu tư mới sử dụng công nghệ có nguy cơ tác
động xấu đến môi trường, dự án có công nghệ hạn chế chuyển giao... được thẩm
định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định. Xây dựng được 5 nhóm chuyên gia
trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, y học, công nghệ thông tin.
Việc nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và
chuyển giao các tiến bộ KHKT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (giai đoạn
2016-2020), đã được các cấp, ngành triển khai đồng bộ, từ chủ trương, nội dung,
giải pháp đến bố trí nguồn lực thực hiện. Nhờ đó, hoạt động KH&CN được đẩy
mạnh theo hướng đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các tổ chức KH&CN công lập
cũng được tổ chức, sắp xếp lại và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi
dưỡng, đào tạo nhân lực theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ đó
hình thành được một số nhóm chuyên gia KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, y
tế và công nghệ thông tin. Nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia tăng mạnh về số
lượng và quy mô kinh phí hỗ trợ của Trung ương (tăng gấp hơn 2 lần so với giai
đoạn 2011-2015), tạo điều kiện cho việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa hoạt
động KH&CN. Đã chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến,
hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là các kỹ thuật mới,
phức tạp trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Chính sách khuyến
khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã
hội và Giải thưởng KH&CN Thanh Hóa lần đầu tiên được ban hành và triển khai
thực hiện trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức,
doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ
KH&CN, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho các sản
phẩm có lợi thế của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực
hiện khâu đột phá về KH&CN vẫn còn những hạn chế. Đó là: Tiềm lực, cơ sở
vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; còn thiếu nhân lực KH&CN có trình
độ cao, chuyên sâu, nhất là chuyên gia về công nghệ; việc triển khai nhân rộng
kết quả nhiệm vụ KH&CN vẫn còn hạn chế; thời gian thực hiện một số nhiệm vụ
KH&CN còn dài, làm chậm ứng dụng kết quả vào sản xuất và đời sống; chưa có
nhiều nhiệm vụ KH&CN có tính lan tỏa, đột phá; trình độ công nghệ của các
doanh nghiệp phần lớn ở mức trung bình trở xuống, tỷ lệ dây chuyền sản xuất có
công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 15,6%... Nguyên nhân là do việc
xây dựng cơ sở hạ tầng cho KH&CN, nhất là Khu Nông nghiệp Ứng dụng công
nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng đã trình từ năm 2018, nhưng chưa được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt thành lập. Do đó chưa thu hút được các nguồn vốn đầu tư từ
ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh cho hạ tầng cơ sở và chưa thu hút được các
dự án sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao.
Nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; trung
bình 5 năm, chi từ ngân sách tỉnh cho KH&CN mới đạt 0,52% tổng chi ngân
sách tỉnh. Chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút vốn của xã hội đầu tư cho
KH&CN. Cơ chế, chính sách để ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp lập quỹ phát triển
KH&CN và đổi mới sáng tạo còn chưa đủ sức hấp dẫn. Trừ một số doanh nghiệp
lớn có tiềm lực tài chính tương đối mạnh; còn phần lớn các doanh nghiệp gặp khó
khăn về vốn để đổi mới công nghệ - thiết bị...
Để KH&CN thực sự trở
thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thiết nghĩ, cần đến những
“giải pháp đột phá” cho giai đoạn tiếp theo. Đó là nâng cao năng lực KH&CN,
đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ
KHKT, các công nghệ mới từ cuộc cách mạng lần thứ tư (CMCN 4.0), nhằm nâng cao
năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa. Theo đó
các mục tiêu cụ thể đã được ngành KH&CN xác định là xây dựng được ít nhất
30 doanh nghiệp KH&CN; 100% các phòng thí nghiệm, thử nghiệm của các cơ
quan Nhà nước đạt chuẩn LAS/VILAS; 80% phòng thí nghiệm, thử nghiệm của các
doanh nghiệp sản xuất đạt chuẩn ISO/IEC 17025. Hoàn thành xây dựng hạ tầng Khu
Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng; vùng sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Về nghiên cứu, ứng dụng và
chuyển giao KHCN, phấn đấu tỷ lệ đóng góp của hoạt động KH&CN thông qua yếu
tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng của tỉnh đạt tối thiểu 40%; tỷ trọng sản
phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 30% tổng giá
trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025; 100% dự án đầu tư mới thuộc đối tượng
thẩm định về công nghệ; có ít nhất 50 sản phẩm địa phương là đối tượng của
chương trình OCOP-TH được xây dựng tiêu chuẩn và được bảo hộ về sở hữu trí tuệ,
nâng tổng số sản phẩm địa phương được xây dựng tiêu chuẩn và được bảo hộ về sở
hữu trí tuệ lên 100 sản phẩm.
Nguồn: Báo Thanh Hóa