Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ khoa
học và công nghệ (KH&CN) cấp Nhà nước, thời gian qua tỉnh ta đã có nhiều nỗ
lực trong đổi mới cơ chế, chính sách cũng như nội dung quản lý các nhiệm vụ
KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở, qua đó từng bước cải thiện chất lượng các đề
tài, dự án, nâng cao tính ứng dụng và khả năng nhân rộng kết quả sau nghiệm
thu, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, của
tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Thực tế cho thấy, hoạt động nghiên cứu và
thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã chú trọng
đến tính ứng dụng, hiệu quả và đạt được một số tiến bộ, kết quả tích cực. Các chương
trình, đề tài khoa học, đặc biệt là các nhiệm KH&CN cấp cơ sở đã bám sát và
phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói
riêng, của tỉnh Thanh Hóa nói chung. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN
đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu đã được phát huy trong thực tiễn. Điển hình tại huyện Hoằng Hóa, để ứng dụng tiến bộ
KH&CN, huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển
đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển hàng hóa; ban hành cơ chế, chính
sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng
nông thôn mới. Từ việc áp dụng KH&CN, đã xây dựng được nhiều vùng liên kết
sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá mới trong phát triển
sản xuất, như: Mô hình liên kết sản xuất khoai tây Đức; ớt xuất khẩu; trồng ngô
biến đổi gen; sản xuất nấm sò, mộc nhĩ... Mặt khác, huyện cũng đặc biệt quan
tâm đến việc phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển
theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, hàng loạt mô hình trong trồng trọt, chăn
nuôi theo hướng VietGAP đã được hình thành. Điển hình như mô hình chăn nuôi gia
súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học; mô hình trồng rau an toàn tại xã Hoằng
Giang, Hoằng Hợp, Hoằng Kim...
Nhằm
khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, huyện
Hà Trung đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung tích tụ đất
đai để thu hút đầu tư phát triển sản xuất theo chiều sâu. Với cách làm này,
nhiều địa phương trong huyện đã có sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp theo
hướng ứng dụng tiến bộ KH&CN. Đơn cử như, mô hình trồng rau, củ, quả, nấm
và hoa trong nhà lưới ở các xã Hà Long, Hà Sơn; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ
thuật để trồng dứa cho ra quả quanh năm ở Hà Long. Trong nuôi trồng thủy sản,
một số hộ dân đã biết tận dụng lợi thế đưa nhiều giống con mới có giá trị kinh
tế cao vào sản xuất như nuôi cá lăng, cá vược; thâm canh cá rô đầu vuông năng
suất cao, cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP..
Ngoài
các địa phương, thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, ngành y tế đã chủ
động đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho công tác nghiên cứu KH&CN. Qua đó,
nhiều tiến bộ khoa học mới được nghiên cứu, ứng dụng phục vụ công tác khám,
chữa bệnh, đã được triển khai thành công tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến
huyện góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và
bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Điển hình, như: Ứng dụng công nghệ ghép tế bào
gốc điều trị thành công bệnh ung thư máu, ung thư vú; phẫu thuật nội soi sau
phúc mạc điều trị sỏi niệu quản 1/3 trên; phẫu thuật nội soi cắt u tuyến thượng
thận; nghiên cứu quy trình và sản xuất thành công một số sản phẩm từ dược liệu
trong lĩnh vực thuốc đông y, góp phần điều trị một số bệnh; nghiên cứu sưu tầm
và bảo tồn giống dược liệu quý của tỉnh... Giai đoạn 2016-2020, ngành y tế đã
triển khai thực hiện 66 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành; 3.024 đề tài
nghiên cứu của các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, tuyến huyện...
Qua đánh giá của Sở KH&CN, việc triển khai thực hiện các
nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở có sử dụng ngân sách Nhà nước ở cấp cơ sở đã có sự
chuyển biến tích cực. Đạt được kết quả trên,
hàng năm, Sở KH&CN đã thông báo đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài
tỉnh về việc mời gọi, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cần thực hiện cho năm tiếp
theo trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội
nhân văn, y tế... Bên cạnh đó, công tác quản lý, triển khai thực hiện các nhiệm
vụ KH&CN ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, cụ thể: Thực hiện nghiêm cơ chế
đặt hàng, quy trình tư vấn xác định, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện
nhiệm vụ KH&CN theo quy định Nhà nước; Ưu tiên chọn lựa, tham mưu đặt hàng
thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có sự tham gia, đối ứng kinh phí của các doanh
nghiệp và có địa chỉ ứng dụng ngay từ đầu; Hợp đồng giữa Sở KH&CN với đơn
vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm, quyền
hạn của mỗi bên...
Nhìn chung, các chương trình, đề tài
khoa học, đặc biệt là các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở đã từng bước khẳng định
được vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói
riêng, của tỉnh nhà nói chung.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhiệm vụ KH&CN
cấp cơ sở, công tác phối hợp giữa Sở KH&CN với UBND các huyện, thị xã,
thành phố tiếp tục được đẩy mạnh. Thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố
tiếp tục lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội
của địa phương, nhằm giải quyết những khó khăn trong sản xuất, đời sống của
nhân dân; đồng thời, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KH&CN phục
vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác đào tạo, tập
huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý KH&CN cấp cơ sở theo các
chương trình của Bộ KH&CN, Sở KH&CN tổ chức. Tổ chức tốt việc ứng dụng
các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống để tạo ra sản phẩm mới, ngành
nghề mới. Tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dự án: hỗ
trợ phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao năng suất, chất lượng; tạo lập, quản
lý và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa.
Phòng Thông tin KHC&CN