Bộ KH&CN tiếp tục tài trợ cho nhiều đề tài nghiên cứu về COVID-19 - 15:02 23/08/2021

Chia sẻ facebook

Sau thành công của năm 2020, trong sáu tháng đầu năm 2021, Bộ KH&CN tiếp tục tài trợ và hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm liên quan đến COVID-19.


Máy tạo ra sinh phẩm xét nghiệm của Phusa Biochem, đơn vị được nhận tài trợ của Bộ KH&CN.

Theo đó, Bộ KH&CN đã huy động được một lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất vaccine phòng COVID-19, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát... Bộ KH&CN cũng rất kịp thời tổ chức các buổi làm việc với các nhà khoa học và doanh nghiệp để cập nhật và trao đổi thông tin về dịch bệnh, qua đó đề xuất các công nghệ xét nghiệm các chủng virus SARS-CoV-2 mới cũng như tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vaccine phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ứng dụng, chuyển giao công nghệ liên quan đến COVID-19, Bộ KH&CN đã cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn,…), lĩnh vực về quản lý rủi ro thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (www.tcvn.gov.vn) và tập trung ưu tiên cơ sở vật chất, nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế như máy thở, khẩu trang y tế,… Bên cạnh đó là hỗ trợ các hoạt động đo lường, thử nghiệm, hỗ trợ Tập đoàn Vingroup trong việc sản xuất các máy thở không xâm nhập VFS-310 và máy thở xâm nhập VFS-510, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế... Trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị, Bộ KH&CN còn cử đại diện tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19; huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu kịp thời tạo ra các sản phẩm KH&CN phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ,… Tổ thông tin cũng đã phân tích thông tin dữ liệu lớn, kết hợp dịch tễ học và các điều kiện thực tế để cung cấp kịp thời kết quả phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã triển khai miễn phí ứng dụng Microsoft Teams - nền tảng hỗ trợ dạy học trực tuyến và tương tác trực tuyến trong lĩnh vực y tế và giáo dục trên diện rộng.

Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích ĐMST và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phối hợp với các Bộ/ngành/địa phương hỗ trợ hiệu quả việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối với những hàng hóa tại thị trường tiềm năng. Điển hình, vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản từ ngày 12/3/2021, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường này.

                                                                                              Phòng Thông tin KH&CN (Theo Báo KH&PT)