Ngày 7/6/2022, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh
tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo Đề án, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) nhằm
tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần
thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng
trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh
nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu
của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần
đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội;
hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế
sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Cụ thể, KTTH sẽ góp phần cụ thể hóa mục tiêu
giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với
năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tăng cường
nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài
nước đối với mô hình KTTH; đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH thúc đẩy xanh hóa các
ngành kinh tế. Đến năm 2025, các dự án KTTH bước đầu đi vào thực hiện và phát
huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi
các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng
tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ
lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm,
thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2030, các dự án KTTH trở thành một
động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần
lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo và trong tăng
cường tỷ lệ che phủ rừng.
Mô hình KTTH hỗ trợ xây dựng lối sống xanh,
khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đến năm 2025,
tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50%
rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức
sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần
trong sinh hoạt. Tăng đáng kể năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông
thôn. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và
người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó
phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Đến năm 2030, tỷ lệ
chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy
chuẩn thông qua các mô hình KTTH đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70%
rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp
trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình KTTH ở đô thị; tối đa hóa tỷ
lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo
quy định ở các khu đô thị.
Trong số các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể có:
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTH, yêu cầu, chủ trương và định hướng
phát triển KTTH cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng
doanh nghiệp, và người dân, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTTH;
Xây dựng kế hoạch phát triển KTTH riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát
triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực
hoặc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; Nghiên cứu, lồng ghép phát triển
KTTH vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định
1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến
lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Tăng
cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích
thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền
thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình KTTH; Chủ động trao đổi với các nhà
tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức,
kỹ năng và nguồn lực phát triển KTTH thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về
KTTH, các dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường...) thân
thiện với KTTH; Tăng cường đối thoại công - tư về phát triển KTTH, trên cơ sở
phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng
mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị
cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp; Rà soát, hoàn
thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển KTTH.
Nghiên cứu, rà soát thực trạng phát triển KTTH trong một số lĩnh vực ưu tiên/có
thể thí điểm triển khai sớm...
Về tổ chức thực hiện, Đề án nêu rõ trách
nhiệm vụ của một số Bộ, ngành, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách
nhiệm: Thúc đẩy hài hòa hóa các tiêu chuẩn đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch
vụ từ mô hình KTTH; Nghiên cứu đánh giá nhu cầu về quy trình xác nhận áp dụng
công nghệ môi trường hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi sang KTTH; Thúc đẩy ứng dụng
quy trình và xây dựng các cơ chế khuyến khích thử nghiệm đối với các doanh
nghiệp áp dụng công nghệ cho quá trình chuyển đổi sang KTTH; Nghiên cứu, ứng dụng
khoa học công nghệ thân thiện với môi trường vào các ngành nông nghiệp, công
nghiệp, dịch vụ liên quan. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện
phát triển KTTH; Nghiên cứu, lồng ghép các tiêu chí về KTTH gắn với ứng dụng
khoa học và công nghệ trong từng ngành, nghề cụ thể trong các quy hoạch Đề án,
dự án liên quan tới phát triển KTTH, kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Phòng Thông tin KH&CN (Nguồn:Cục Thông tin Khoa
học và Công nghệ Quốc Gia)