Hoạt
động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp sẽ hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp, trong
đó, mũi nhọn là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu và khai thác sáng chế.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm về công tác thông tin, truyền
thông trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ vừa tổ chức ngày
30/1/2018.
Tại
buổi tọa đàm, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công Nghệ, cho biết, Cục
đã xử lý 80.599 đơn các loại, trong đó có 39.250 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu
công nghiệp (SHCN). Trong số đó: Chấp nhận bảo hộ 30.106 đối tượng SHCN; từ chối
bảo hộ 9.033 đối tượng SHCN và 41.349 đơn các loại khác. Cục cũng cấp văn bằng
bảo hộ cho 28.314 đối tượng SHCN (tăng 9,4% so với năm 2016).
Theo
Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí, Cục SHTT xác định hoạt động bảo hộ quyền SHCN
phải hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, mũi nhọn là hỗ trợ doanh nghiệp
phát triển thương hiệu và khai thác sáng chế. Theo định hướng này, việc triển
khai các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình
hành động của Bộ KH&CN được thực hiện nghiêm túc. Với mỗi Nghị quyết của
Chính phủ và Chương trình hành động tương ứng của Bộ, Cục xây dựng kế hoạch triển
khai cụ thể. Đặc biệt, Cục tiếp tục hoàn thiện để đưa vào khai thác công cụ
đăng ký đơn SHCN thông qua mạng thông tin điện tử theo tinh thần của Nghị quyết
số 36a. Kết quả, đến hết năm 2017, đã có 5.497 đơn đăng ký SHCN được tiếp nhận
qua hệ thống nhận đơn trực tuyến (chiếm 9,3% lượng đơn SHCN nộp vào Cục).
Hoạt
động tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn
2016-2020 (Chương trình 68) tiếp tục được thực hiện khẩn trương theo kế hoạch.
Chương trình được triển khai với định hướng mục tiêu đổi mới, tập trung vào các
nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ, áp dụng sáng chế; quản lý và khai thác TSTT của doanh
nghiệp; hỗ trợ kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm được bảo hộ quyền
SHTT.
Năm
2018 Cục SHTT sẽ tập trung hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến
lược SHTT quốc gia trong quý 2/2018; tập trung triển khai nhiệm vụ liên quan đến
sửa đổi Luật SHTT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để hỗ trợ
cho công tác của Cục và hệ thống SHTT của Việt Nam; hoàn tất thủ tục gia nhập
Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế KDCN; chuẩn bị để thực hiện tốt vai trò Chủ
tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018 - 2019. Đặc biệt, tăng cường triển khai
các dịch vụ công SHTT để hỗ trợ chuyển hóa quyền SHTT của doanh nghiệp, tổ chức
thành tài sản quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền
kinh tế; tích cực triển khai Đề án hình thành Mạng lưới các Trung tâm Phát triển
tài sản trí tuệ (IP-Hub); triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Chương
trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.
Cùng
với đó, việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, chia sẻ với cộng đồng về những kết
quả đã đạt được cũng như những khó khăn cần tháo gỡ cũng là điểm được Cục trưởng
Cục SHTT sẽ lưu ý với các đơn vị chức năng của Cục để xã hội có nhiều thông
tin, có cái nhìn nhiều chiều và hiểu hơn về vai trò của SHTT với sự phát triển
chung của đất nước.
Nguồn: NASATI