Hiện, toàn tỉnh đã có 23
doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ 3 toàn
quốc, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp KH&CN đã và đang thể
hiện được vai trò là cầu nối, đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tạo
ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Trao
thưởng cho các tác giả đạt giải trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn
viên, thanh niên
tỉnh Thanh Hóa lần thứ 2 - năm 2018.
Khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt
của toàn xã hội. Cùng với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy
tinh thần khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp theo Đề án “Hỗ trợ hệ sinh
thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, thời gian qua, tỉnh ta đã tích
cực triển khai các hoạt động thiết thực nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
ĐMST trên địa bàn tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững.
Thanh
Hóa có nhiều tiềm năng để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST với 51 tổ chức
khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó có 14 tổ chức nghiên cứu và phát
triển, 28 tổ chức dịch vụ KH&CN và 9 tổ chức thuộc cơ sở giáo dục đại học,
cao đẳng, khoảng 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động... Vì vậy, ngay sau khi Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia
đến năm 2025”, theo Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18-5-2016, tỉnh ta đã sớm
triển khai các hoạt động về xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Đến nay, cùng với những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của cả nước nói
chung và của tỉnh nói riêng, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đã đạt được
một số kết quả bước đầu. Hiện, toàn tỉnh đã có 23 doanh nghiệp được cấp giấy
chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ 3 toàn quốc, sau Hà Nội và TP Hồ
Chí Minh. Các doanh nghiệp KH&CN đã và đang thể hiện được vai trò là cầu
nối, đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa
có giá trị gia tăng cao.
Trong số 23 doanh nghiệp
KH&CN của tỉnh, đã có một số doanh nghiệp tập trung đầu tư cơ sở vật chất -
kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng
dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống, như: Công ty CP
Công Nông nghiệp Tiến Nông nghiên cứu và sản xuất thành công phân bón NPK-Si có
hàm lượng Si dễ tiêu cho cây lúa; Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa làm chủ
công nghệ, tổ chức sản xuất và thương mại hóa thành công giống lúa lai 3 dòng
Thanh Hoa ưu 1 và giống lúa Thuần Việt 1; Công ty Quảng cáo Ánh Dương nghiên
cứu đưa vào sử dụng hệ thống máy chế bản chân không AD-BBB mạ vàng, bạc, đồng,
niken; hệ thống máy khắc dấu kim loại siêu tốc... Bên cạnh đó, các sở, ngành,
đơn vị liên quan cũng đã phối hợp tổ chức các hội thảo, trao đổi kinh nghiệm
liên quan đến khởi nghiệp ĐMST; tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các
vấn đề liên quan đến khởi nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học nhằm khơi dậy
tinh thần sáng tạo, phát triển nghề nghiệp trong sinh viên và giới trẻ.
Tại Trường Đại học Hồng
Đức, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên luôn được nhà trường quan
tâm thực hiện, như tổ chức các cuộc thi, hội thi ý tưởng sáng tạo, ý tưởng sáng
tạo trong kinh doanh, Festival kinh tế, sinh viên khởi nghiệp... Ngoài ra, nhà
trường thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm với sự tham gia của đông đảo các
doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực ngành nghề và thành phần kinh tế. Năm 2017, ngày
hội việc làm tại trường có 22 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham
gia, như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Dược Việt Tín... Hơn 2.000 vị
trí việc làm cố định và bán thời gian tại các công ty, doanh nghiệp đã được
giới thiệu để sinh viên ứng tuyển. Hoạt động này không chỉ cung cấp cơ hội việc
làm mà còn chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, tư vấn hướng nghiệp, tiếp cận
thông tin mới về thị trường lao động, góp phần định hướng khởi nghiệp trong
tương lai cho sinh viên.
Tiếp nối sự phát triển
khởi nghiệp ĐMST, ngày 18-12-2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số
4892/QĐ-UBND phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN
và Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020”. Mục tiêu của chương
trình là hỗ trợ xây dựng và phát triển các doanh nghiệp KH&CN; triển khai,
cụ thể hóa nội dung Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến
năm 2025” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh. Từng bước tạo
lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh
nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và
đẩy mạnh hoạt động sáng tạo trong cộng đồng. Để chương trình cũng như các hoạt
động hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh đi đúng hướng, giảm tính phong trào, hình
thành được những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững,
nhiều nhiệm vụ đã được ngành chức năng đặt ra, như: Nâng cao nhận thức của các
cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân về phát triển doanh
nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ kết nối, thúc đẩy phát
triển doanh nghiệp KH&CN, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa
bàn tỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp ĐMST thực hiện các dự án
KH&CN. Đặc biệt, thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
KH&CN và Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020”, từ nay
đến năm 2020 sẽ hỗ trợ hoàn thiện, làm chủ công nghệ để thành lập mới ít nhất
15 doanh nghiệp KH&CN và hoàn thiện công nghệ tạo ra sản phẩm mới có sức
cạnh tranh trên thị trường cho 15 doanh nghiệp KH&CN đã được thành lập
thông qua thực hiện các dự án KH&CN; hỗ trợ hình thành và phát triển 10
doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; xây dựng trung tâm hỗ trợ pháp lý, tư vấn khởi
nghiệp ĐMST và sàn giao dịch công nghệ - thiết bị của tỉnh với tổng kinh phí
thực hiện hơn 171,7 tỷ đồng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng nhằm đẩy mạnh hơn nữa
quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh, qua đó, góp
phần thúc đẩy kinh tế - xã hội không ngừng phát triển trong giai đoạn hội nhập.
Báo KH&CN Thanh Hóa