Với mục tiêu ứng dụng
tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) xây dựng các mô hình sản xuất theo
chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, trong những năm qua, huyện Như Thanh luôn quan
tâm chỉ đạo và triển khai có hiệu quả việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản
xuất nông, lâm nghiệp, từng bước thay đổi cơ cấu sản xuất, góp phần tăng năng
suất và nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm nông, lâm nghiệp.
Mô hình trồng đậu leo trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP tại
xã Yên Thọ cho hiệu quả kinh tế cao.
Để việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất đạt hiệu quả cao, huyện
Như Thanh đã chủ động phối hợp với ngành chức năng triển khai ứng dụng rộng rãi
nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh
vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Tính riêng trong năm 2017, từ nguồn kinh
phí của huyện và các nguồn kinh phí lồng ghép, huyện đã triển khai thành công
nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình mạ khay, máy cấy; mô
hình trồng rừng thâm canh; mô hình trồng cỏ và ngô làm thức ăn xanh cho bò sữa;
mô hình trồng rau an toàn, trồng bưởi công nghệ cao... với tổng kinh phí thực
hiện 2,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cùng với việc tranh thủ tối đa mọi nguồn lực,
huyện đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển sản
xuất nông nghiệp theo chuỗi, lựa chọn, đưa các loại giống mới có năng suất cao
vào sản xuất thử nghiệm. Đặc biệt, để khai thác và phát huy tối đa tiềm năng,
lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp cùng với chủ trương, chính sách của
huyện, những năm qua, các địa phương trong huyện đã triển khai đồng bộ nhiều
giải pháp trong đó có việc tích tụ, tập trung đất đai đầu tư phát triển nông
nghiệp theo chiều sâu... Với cách làm này, nhiều địa phương đã có sự bứt
phá trong phát triển nông, lâm nghiệp. Đơn cử như trong trồng trọt ngoài ứng
dụng các giống mới năng suất chất lượng cao, các xã trong huyện đã triển khai
thực hiện kỹ thuật cấy hàng rộng, hàng hẹp, sử dụng phân viên nén dúi sâu cho
cây lúa, với tổng diện tích toàn huyện đạt 95%; áp dụng cơ giới hóa trong gieo
cấy và thu hoạch lúa đạt 80%; xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả công
nghệ cao (cam, bưởi) ở xã Yên Lạc với quy mô hơn 20 ha; chuyển hóa thành công
300 ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn ở các xã trên địa bàn huyện...
Ngoài việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN về giống, phân bón, kỹ
thuật thâm canh, trong những năm gần đây, huyện Như Thanh đặc biệt quan tâm đến
việc phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển theo
hướng an toàn sinh học. Theo đó, hàng loạt mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi
theo hướng VietGap đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Điển hình
như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học, theo chuỗi
liên kết tại các xã Phượng Nghi, Xuân Du, Thanh Tân, Thanh Kỳ... Thống kê của
ngành chức năng cho thấy, toàn huyện hiện có hơn 200 hộ chăn nuôi gia súc, gia
cầm trên nền đệm lót sinh học; 13 mô hình nuôi gà theo chuỗi liên kết với quy
mô hơn 2.000 con/mô hình... Các mô hình này đã góp phần thúc đẩy phát triển bền
vững, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Để tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng
tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thời gian tới huyện Như Thanh tập trung chỉ đạo,
huy động các nguồn lực xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng nông nghiệp
sạch, nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển nhân rộng các mô hình, cây
trồng, vật nuôi có lợi thế mạnh của địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác
tuyên truyền để người dân chủ động ứng dụng kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất các
sản phẩm an toàn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; tăng cường
công tác tích tụ ruộng đất, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận
lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên
kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao giá trị
hàng hóa, thu nhập cho người dân.
Phòng thông tin KH&CN