Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH&CN), tuy nhiên, so với quy mô hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong toàn tỉnh hiện nay thì con số 26 doanh nghiệp đã được công nhận doanh nghiệp KH&CN là quá ít. Điều này đòi hỏi ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp cần đưa ra nhiều giải pháp tích cực để thúc đẩy doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa.
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn
mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo phân tích, đánh giá của Sở KH&CN, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do bản chất hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa từ kết quả KH&CN mang tính rủi ro. Các DN của tỉnh phần lớn là DN nhỏ, tiềm lực tài chính yếu nên chưa mạnh dạn đầu tư cho KH&CN; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với DN KH&CN chưa thực sự hấp dẫn; điều kiện, thủ tục để được thụ hưởng một số chính sách ưu đãi còn ngặt nghèo, đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN. Bên cạnh đó, một số quy định của Nhà nước về việc giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ sử dụng ngân sách Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, bật cập trong quá trình thực hiện...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển DN KH&CN trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, cần thêm những giải pháp thiết thực từ DN, ngành chức năng, chính quyền các cấp. Trong đó, cần xác định việc phát triển DN KH&CN phải được đặt trong tổng thể mô hình phát triển DN của cả tỉnh. Vai trò, vị trí của DN KH&CN ở từng ngành, lĩnh vực, vùng và từng địa phương phải gắn bó chặt chẽ với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh việc phát triển về số lượng, phải quan tâm đến chất lượng DN KH&CN, làm cho DN KH&CN thực sự trở thành nền tảng và động lực cho phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Mặt khác, thường xuyên đánh giá và cập nhật kịp thời cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn của sự phát triển. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu đề ra, giải pháp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chức năng xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển DN KH&CN cũng cần được đặc biệt quan tâm. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cần được quan tâm hơn và nên cải tiến, lựa chọn hình thức phù hợp với từng đối tượng, qua đó, tạo ra làn sóng mới trong phát triển DN KH&CN trong cộng đồng DN. Và, điều quan trọng là, việc phát triển DN KH&CN không chỉ phụ thuộc vào chính sách ưu đãi của Nhà nước mà chính mỗi DN phải tạo được sự chuyển biến về nhận thức phát triển KH&CN, xem đầu tư cho KH&CN là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập.
Đàm Tuyết (Phòng Thông tin kH&CN)