Tăng cường đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ là nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội - 15:24 04/08/2021

Chia sẻ facebook

Khoa học và công nghệ (KH và CN) là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Do vậy để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và vững chắc tất yếu phải quan tâm đầu tư cho KH và CN. Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, sự đồng hành của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người dân, lĩnh vực KH và CN của tỉnh đã có sự phát triển đạt kết quả đáng khích lệ.


Nhờ chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao 

đã được các địa phương áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2016 đến nay, ngành KH&CN đã thực hiện 33 nhiệm vụ thuộc 7 chương trình KH&CN cấp quốc gia; 299 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; riêng năm 2020, toàn tỉnh đã thực hiện 26 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (tổng kinh phí trên 312 tỷ đồng) và 146 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (tổng kinh phí trên 299 tỷ đồng). Các nhiệm vụ cấp quốc gia tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ KH&CN tiến bộ có tính liên ngành, liên vùng cao; hỗ trợ các DN, địa phương trong tỉnh tiếp nhận, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất. Các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tập trung nghiên cứu chọn lọc, lai tạo cây, con; xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp... Nhiều đề tài, dự án có tính ứng dụng nhanh, rộng rãi và có hiệu quả các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đóng góp vào sự phát triển của KH&CN phải kể đến vai trò to lớn của các DN. Hiện toàn tỉnh có 30 DN, để thúc đẩy các DN KH&CN, tỉnh ta đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc hình thành và phát triển DN KH&CN như: miễn thuế thu nhập DN, miễn tiền thuê đất, cho vay tín dụng ưu đãi... Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN và khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ. Các cơ chế, chính sách này đã tạo điều kiện cho các DN KH&CN nghiên cứu, tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn, thời gian qua, công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực KH&CN không ngừng được đẩy mạnh. Từ ngày 22/5/2020, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình, xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính chuyển từ môi trường làm việc giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã... Qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, DN một cách nhanh nhất, tốt nhất. Các lĩnh vực quản lý Nhà nước về KH&CN như: quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, thanh tra chuyên ngành được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tính pháp chế, góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, DN; nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nhằm thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, ngành KH&CN tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ KH&CN; hỗ trợ các DN đào tạo nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương. Tiếp tục hỗ trợ các DN thực hiện liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, thông qua áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của địa phương để hỗ trợ xuất khẩu. Nâng cao năng lực công nghệ của các DN; từng bước hình thành và phát triển thị trường KH&CN phục vụ chuyển giao công nghệ. Tiếp tục xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở KH&CN gắn với việc hình thành các DN KH&CN, DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

                                                                                                                                                      Mai Hương