Ứng dụng khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường - 16:29 07/11/2018

Chia sẻ facebook

Ngày 25/10/2018, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” giai đoạn 2016-2020.


Toàn cảnh Hội nghị         

             Hội nghị khoa học nhằm phục vụ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016 cho thấy, vào cuối thế kỷ XXI, dự kiến nhiệt độ phía Bắc tăng từ 3,3 - 4,0 độ C và phía Nam 3,0 - 3,5 độ C, kéo theo đó mực nước biển có thể dâng lên khoảng 73cm. Khi đó hậu quả là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập 38,9% diện tích, riêng TP Hồ Chí Minh ngập 17,8% diện tích; các tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Hồng ngập 16,8%; các tỉnh miền Trung là 1,47% (theo kịch bản RCP8.5).

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, trong 03 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước tổ chức triển khai Chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020”, mã số BĐKH/16-20. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt triển khai thực hiện 38 đề tài, trong đó 30 đề tài bắt đầu thực hiện từ năm 2016 và 2017, 8 đề tài bắt đầu thực hiện từ quý IV năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, nhận thức được chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Sau đó, ngày 23/01/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW nhằm xây dựng kế hoạch tổng thể, hành động kịp thời trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Sau gần 03 năm triển khai Chương trình “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” giai đoạn 2016-2020 cho thấy nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ của các đề tài có trình độ khoa học cao, tiệm cận được với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và thực hiện chiến lược chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể kể đến những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phù hợp thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như: Thiết bị tách ẩm từ không khí công suất 10lít/ngày phục vụ nhu cầu sinh hoạt người dân; Bước đầu nghiên cứu chế tạo bê tông rỗng thoát nước ứng dụng trong công trình hạ tầng kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu; tài chính cho biến đổi khí hậu và một số gợi ý chính sách tại Việt Nam; Đánh giá khả năng chịu hạn của một số giống ngô lai bằng phương pháp gây hạn nhân tạo trong điều kiệm nhà lưới; Xây dựng bộ chỉ tiêu xác định các đợt lạnh bất thường trong mùa sông trên khu vực miền núi phía Bắc…

Đồng thời, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Chương trình đã mang lại những hiệu quả tích cực được ghi nhận như: Đã góp phần giải quyết vấn đề đào tạo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau; Hàng loạt các bài báo đã và sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và trong nước. Chỉ tính riêng 30 đề tài đã được phê duyệt, sau khi kết thúc sẽ có 40 bài báo được chấp nhận đăng trên tạp chí quốc tế, 101 bài báo đăng trên tạp chí trong nước, 02 sách chuyên khảo. Đến nay, các đề tài đã đăng 13 bài báo trên tạo chí khoa học trong nước và 05 bài báo trên tạp chí quốc tế.Để tiếp tục khẳng định vai trò của KH&CN trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, nâng cao chất lượng để hội nhập trong khu vực và trên thế giới nhằm ứng phó với đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong phạm vi trong nước và trên toàn cầu.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, Bộ KH&CN sẽ có báo cáo gửi Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời, sẽ tiếp tục ưu tiên các chương trình KH&CN cấp quốc gia liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường để các chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu; thực hiện tốt theo định hướng “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” tại Nghị quyết số 24-NQ/TW. 

                                                                                                                                          NASATI