Kỹ thuật trồng cây macca đạt năng suất cao - 15:56 04/08/2021

Chia sẻ facebook

Mắcca được mệnh danh là cây “triệu đô” có tiềm năng kinh tế rất cao, chỉ trồng 1 lần là có thể cho thu hoạch lâu dài lên đến trên 30 năm. Hạt mắc ca có màu trắng ngả vàng chứa nhiều chất dinh dưỡng, hương vị thơm ngon,  nên được rất nhiều người ưa chuộng. Có giá trị kinh tế lớn, nhưng không phải bất cứ quốc gia nào cũng có điều kiện thích hợp để trồng, và Việt Nam chính là một trong số ít quốc gia có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để trồng Mắc ca.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bà con ở một số vùng như Hà Trung, Thạch Thành, Như Xuân đã áp dụng trồng loại cây này diện tích trên 30ha. Điển hình như vợ chồng anh  Đỗ Trọng Học ở Như Xuân (Thanh Hóa) được xem là người đầu tiên đưa cây mắc ca về vùng đồi Như Xuân, sau hơn 10 năm nỗ lực, cần cù, chịu khó, đến nay, gia đình anh Học đã sở hữu hơn 900 cây mắc ca trên diện tích 3 ha, trong đó có hơn 200 cây đã cho thu hoạch và cung cấp ra thị trường.

Để cây mắc ca có thể sinh trưởng 1 cách tốt nhất và đạt năng suất cao khi thu hoạch, sau đây xin được giới thiệu tới bà con Kỹ thuật trồng loại cây này như sau:

Giai đoạn 1: Chuẩn bị

Việc đầu tiên trước khi trồng là phải làm quy hoạch tổng thể. Xác định vị trí cụ thể trên bản đồ: khu nhà ở, sân kho, hệ thống đường nội bộ, hệ thống hồ chứa nước, hệ thống tưới tiêu, hệ thống điện, hàng rào bảo vệ…

            1.Chọn cây giống

Hiện nay ở nước ta có khoảng 23 giống cây mắcca được chọn lọc và trồng cho năng suất cao, gồm: 246, 344, 508, 660, 741, 781, 814, 816, 842, 849, 800, H2, OC, Daddow, A4, A16, A38, A203, A268 và QN1. Đây là những dòng cây đã được trồng khảo nghiệm ở Việt Nam và cho kết quả tốt.

Để có năng suất cao, ổn định, nên trồng cây ghép các dòng nêu trên. Cây giống đem trồng phải là cây ghép, không trồng giống thực sinh. Vì Mắc ca là cây thụ phấn chéo, nên trồng từ hạt dễ bị phân ly. Cây giống phải có chiều cao từ 60cm đến 1m. Cây ghép có chồi ghép đã liền vết sẹo, chồi ghép mọc cao 25-30cm.

2. Thời vụ trồng: Trồng cây vào đầu tháng 2-3 hàng năm.

3.Mật độ: Tùy theo giống cây, vị trí vườn cây mà chọn mật độ trồng phù hợp.

Mật độ trồng thuần từ 200 – 300 cây/ha (278 cây/ha khoảng cách trồng là 9m x 4m; 222 cây/ha khoảng cách trồng là 9m x 5m; 200 cây/ha khoảng cách trồng là 10m x 5m)

  1. Đào hố, bón lót

– Sau khi quy hoạch vùng trồng, làm cỏ, làm đất, nếu đất dốc phải tạo bậc thang theo đường đồng mức.

Đào hố: Kích thước hố trồng là: 1 x 1 x 1m hoặc 0,8 x 0,8 x 0,8m. Lớp đất đáy để một bên, lớp đất mặt để một bên rồi phơi ải khoảng 15-20 ngày mới lấp hố.

Bón lót: Phân chuồng hoai mục khoảng 15 kg/hố, 0,25 –0,5kg vôi bột trộn đều với phần đất mặt sau đó lấp xuống hố trước. Phần đất đáy còn lại lấp phía trên cho đầy hố. Đào đất, lấp hố hòan thành trước khi trồng khoảng 15- 20 ngày.

Giai đoạn 2: Kỹ thuật trồng

– Để trồng cây Mắc ca đạt năng suất quả cao cần phải trồng phối hợp các dòng khác nhau. Có thể bố trí trồng 03 dòng khác nhau liên tiếp rồi tiếp tục trồng lập lại như vậy.

– Khi mua cây giống về nên để cây nơi râm mát, tưới nước giữ ẩm, khi bộ rễ đã ổn định thì đem cây đi trồng.

Trồng cây: Vận chuyển cây nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu đất, đào một lỗ lớn hơn bầu đất giữa hố, xé bỏ vỏ nilon, đặt cây ngay ngắn lấp đất lèn chặt. Lấp đất kín mặt bầu theo hình mâm xôi để tránh bị úng nước. Trước và sau khi trồng cây bỏ thuốc Basudin vào trong hố và rải trên mặt đất quanh gốc cây để phòng trừ mối hại. Cắm cọc cố định thân cây Mắc ca vào để tránh bị gió làm lay gốc.

Vì cây Mắcca chịu gió bão kém, nên sau khi trồng, dùng 3 cây cọc cứng chắc, dài từ 60 – 80cm cắm thành hình tam giác xung quanh cây, cách gốc 40 – 50cm, dùng dây buộc chụm đầu phía trên của 3 cọc với thân cây (vị trí đầu buộc nằm ở ⅔ thân cây, tạo thành một góc 60 độ) để giữ cho cây con không bị gió làm nghiêng.

Giai đoạn 3: Kỹ thuật chăm sóc

1. Chăm sóc: Sau khi trồng nên tụ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô dày từ 4 – 5cm, bán kính 1m quanh hốc để tránh bốc hơi nước, duy trì độ ẩm, giúp bộ rễ phát triển tốt, đồng thời hạn chế cỏ dại mọc hút dinh dưỡng.

Nếu thời tiết khô hạn thì phải tưới nước giữ ẩm ít nhất 20 ngày để rễ ăn sâu ra đất, chồi non phát triển. Nếu phát hiện cây bị chết thì phải trồng dặm, thực hiện cách trồng cây giống mắc ca như bình thường.

2. Phương pháp bón phân sau khi trồng: Cần căn cứ vào tình hình thổ nhưỡng qua phân tích đất hoặc qua màu sắc của lá có dấu hiệu khác thường để quyết định bón phân gì ? bao nhiêu? Và vào lúc nào?

            Nguyên tắc chung là bón phân NPK nhiều đợt trong năm và số lượng vừa đủ, không nên bón quá nhiều cùng một lúc. Trong 2 năm đầu chỉ cần bón 100 gram NPK/cây/năm vào đầu mùa mưa và gần cuối mùa mưa. Lưu ý không bón NPK sau khi trồng 2 tháng .

Khi cây 3 tuổi nên bón  350 – 400 gram NPK/cây/ năm. Bón phân vào rãnh quanh gốc (rãnh sâu khỏang 5-10cm cách gốc 30-40cm). Mỗi lần bón 120gram/gốc NPK, sau khi bón phân lấp đất lại.

Khi cây đã trưởng thành và cho thu hoạch, nên bón phân chuồng ủ hoai và phân lân hàng năm vào tháng 11 để phục hồi sức cho cây sau vụ thu hoạch, đồng thời tạo tán tỉa cành .

Lưu ý: Nên bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt bằng các chế phẩm sinh học dạng dung dịch sẽ cung cấp đa dạng vi sinh vật phân hủy mùn đất tạo ra đạm, lân, ka li tự nhiên thân thiện môi trường. Bón thêm thành phần ka li sẽ làm tăng kích cỡ quả mắcca.

3.Tưới nước cho cây: Trong thời gian 3 năm đầu, sau khi trồng, có thể tưới bất kỳ lúc nào nếu thấy khô hạn để cây phát triển. Nhưng đến năm thứ 4 trở đi, cây có khả năng cho quả, nên ép khô xiết nước cây nhằm ức chế ra hoa. Sau đó tập chung tưới đồng loạt vào giữa tháng 1 dương lịch, đến khoảng giữa tháng 2  đầu tháng 3 cây bắt đầu ra hoa đồng loạt, sẽ tăng khả năng thụ phấn chéo cho cây.

Đến tháng giữa tháng 3 dương lịch, nên bón phân lân và tưới nước cho cây thêm một lần nữa nhằm tránh quả bị rụng do khô hạn.

Nên dùng hệ thống tưới nhỏ giọt là tốt nhất, có thể bón phân qua hệ thống tưới để cung cấp dinh dưỡng nuôi trái được liên tục và giảm được ngày công lao động.


4. Phương pháp tạo tán, tỉa cành: Trong 3 năm đầu nên tạo tán giữ cho cây có 1 thân thẳng đứng, cắt bỏ các cành cao dưới 1,4m, mỗi tán cành cách nhau khoảng 60-70cm. Độ dài các nhánh khoảng 60cm thì cắt ngọn một lần. Chỉ nên giữ lại 2-3 chồi từ một nhánh. Nếu thực hiện đúng phương pháp tạo tán sẽ cho năng suất cao và thông thoáng .

Giai đoạn 4: Phòng trừ sâu bệnh hại

Chủ yếu có một số bệnh thường gặp sau:

4.1 Bệnh thối hoa

- Triệu chứng: Đầu tiên xuất hiện một số đốm màu vàng tối trên đài hoa, sau đó cả hoa bị khô héo rồi rụng. Trong điều kiện mưa ẩm những hoa bị nhiễm bệnh biến sang màu nâu xám đến màu đen.

-  Cách phòng trị: Không nên trồng cây quá dày. Cây chớm bị bệnh phun thuốc có hoạt chất Benomyl, Carbendazim, Thiophanate-methyl,… nếu phun chậm  thì không có tác dụng.

4.2 Bệnh vỏ quả có nốt

- Triệu chứng: Đầu tiên xuất hiện nốt màu vàng nhạt trên vỏ quả, dần biến thành màu vàng đậm rồi màu nâu lan rộng từ 5-15mm. Khi khuẩn xâm nhập vào phía trong của vỏ nó chuyển sang màu nâu đen.

- Cách phòng trị: Phun Cupric Hydroxide Cu(OH)2 77% pha loãng 300 – 800 lần phun lên toàn bộ quả hoặc cục bộ lô bị bệnh, mỗ tháng 1 lần, trong ba tháng liền.

4.3  Bệnh nấm hại thân cây

- Triệu chứng: Bệnh hại chủ yếu thân cây và cành cây, do hai loại nấm dịch mao khuẩn và hai bào khuẩn mao sắc. Bệnh thường lây lan do tác động cơ giới lan truyền vào vết thương thân cây. Khi đã nhiễm bệnh thì lá, cành bị chết khô và dần cây cũng bị chết.

- Cách phòng trị: Việc kiểm tra thường xuyên vườn cây cần được nghiêm túc thực hiện để sớm phát hiện bệnh lý. Khi thấy vết chảy nhựa trên thân cây thì dùng dao cạo hết phần vỏ bị thối sau đó dùng hóa chất như Ridomil Gold 68WP, Ridomil Mz 72WP… hòa nước liều lượng 30 - 50 gam/ lít quét nhiều lần lên vết bệnh; có thể dùng các loại hóa chất này tưới xung quanh gốc cây bị bệnh với liều lượng 30 - 50 gam/10 lít nước… Nếu có điều kiện nên sử dụng biện pháp tiêm trực tiếp thuốc AgriFos 400 (liều lượng 20 ml thuốc + 20 ml nước/1 lần tiêm) vào thân cây bằng dụng cụ tiêm chuyên dụng. Ngoài ra có thể dùng loại nấm Trichoderma (liều lượng: 1 kg trộn với 40 kg phân chuồng) là loại nấm đối kháng với nấm Phytophthora (nấm gây bệnh xì mủ thối gốc ) rãi vào đất dưới tán cây.

            4.4  Côn trùng: Khi cây ra hoa hoặc chồi non thường bị kiến và một số loài côn trùng như bọ xít tấn công. Cần phun phòng định kỳ, không nên phun thuốc lúc cây ra hoa. Giai đoạn cây ra trái non, côn trùng thường chích hút quả non làm quả bị những nốt thâm gây rụng quả.

- Cách phòng trị: Nên đặt bẫy côn trùng có bán sẵn trên thị trường, chỉ sử dụng các chất hóa học phun lên cây khi bệnh dịch vượt ngoài tầm kiểm soát với quy mô lớn. Đối với kiến và chuột, nên thường xuyên làm sạch cỏ quanh gốc cây; cắt bỏ những cành cây thấp gần mặt đất. 

Sử dụng 1 miếng nhựa hoặc kim loại rộng 12cm có 2 mặt nhẵn uốn quanh gốc theo hình nón cụt để ngăn đường đi của chúng. Vào trước mùa thu hoạch hạt, dùng miếng nhựa cứng, trơn, cao 60 cm ốp quanh gốc cây cách mặt đất 50cm cũng có thể ngăn được chuột trèo lên cây.

Lưu ý: Nên sử dụng, phun định kỳ lên cây bằng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường để diệt bớt côn trùng có hại (không nên dùng hóa chất diệt toàn bộ sẽ gây mất cân bằng sinh thái, tạo ra dòng mới đề kháng với thuốc ). Việc này là vô cùng cần thiết để sản phẩm xuất khẩu không bị vướng các hàng rào kỹ thuật tại các quốc gia phát triển .

Giai đoạn 5: Thu hoạch, phân loại, xử lý bảo quản sau thu hoạch

Mùa quả mắcca chín rụng là từ tháng 8 – 10. Thời gian chín rụng kéo dài, tính từ thời điểm ra hoa đến khi quả chín là khoảng 215 ngày, lúc chín quả sẽ tự rụng. Bà con cần theo dõi ngày ra hoa để dự kiến thu hoạch, tránh chuột tấn công hoặc bị thối hỏng.

5.1 Chuẩn bị trước thu hoạch

Trước khi cây cho thu hoạch khoảng 1 – 2 tuần, bà con phải dọn dẹp vệ sinh vườn trồng, làm sạch cỏ dại, cỏ khô, rác, chướng ngại vật. Ngoài ra, trước thu hoạch 1 tháng, không được bón phân và dùng thuốc diệt cỏ

5.2 Kỹ thuật thu hoạch mắcca

Cách 2 tuần thu hoạch 1 lần, không nên để lâu quả dễ bị thối hoặc bị chuột, sóc tấn công. Có thể thu bằng tay hoặc máy. Để việc thu hoạch tiết kiệm thời gian, bà con có thể dùng lưới nilon lớn phủ dưới gốc cây, có phễu cho quả rụng xuống sau đó dùng máy hút quả thu gom lại.


Quả mắcca sau khi thu hoạch.

5.3 Cách phân loại hạt mắcca sau khi thu hoạch

Sau khi thu hoạch, cần phân loại riêng các hạt dùng làm giống, đem bảo quản và gieo càng sớm càng tốt, để lâu sẽ giảm tỉ lệ nảy mầm.

Hạt dùng để xuất bán phải xử lý ngay do lúc này hàm lượng nước đang cao tới 30 – 45%, không để quá 24 giờ sau khi thu hoạch về.

5.4 Xử lý bảo quản mắcca sau thu hoạch

Tiến hành tách vỏ quả, sấy khô hạt để giảm lượng nước xuống còn 10%. Nếu không đủ nhân công để tách hết vỏ thì số quả còn lại phải đem rải đều mỏng trên nền nhà, bật quạt làm mát và thoáng khí, tuyệt đối không được đem phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Cách bóc vỏ quả mắc ca sau khi thu hoạch bằng tay: Bà con dùng búa gỗ có nệm cao su mỏng ở đe búa ghì quả xuống rồi dùng chày gõ nhẹ để đập vỡ vỏ quả, lấy hạt bên trong. Phần vỏ sau khi tách có thể đem ủ với men vi sinh để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng trong vụ tiếp theo.

Tuy nhiên bóc bằng tay dễ làm hạt bị sây sát, giảm chất lượng. Do đó bà con nên sử dụng thiết bị, máy tách vỏ để tăng năng suất, chất lượng, sản lượng, giảm chi phí thuê nhân công.

Sấy khô hạt mắc ca: Tiến hành sấy khô hạt ngay sau khi bóc, nếu không sấy mà để trồng lên nhau thì nhiệt độ tăng nhanh, làm nhân biến mất. Cách sấy khô như sau:

+ Làm khô tự nhiên: Rải đều hạt lên nền nhà hoặc nền phòng có mái che, thoáng khí. Nếu diện tích nhỏ thì bà con có thể hàn các giá đỡ thành nhiều tầng, rải đều hạt trên giá với độ dày từ 10 – 20cm, một tuần đảo một lần. Kéo dài như vậy đến 6 tuần hạt sẽ khô, lượng nước giảm còn khoảng 10%.

+ Làm khô nhân tạo: Nếu quy mô rộng, bà con có thể sử dụng các loại máy sấy khô để rút hàm lượng nước xuống thấp nhất (1,5%). Nhiệt độ sấy như sau: 5 – 7 ngày duy trì 32 độ C; Từ 1 – 2 ngày tiếp theo tăng từ 32 lên 38 độ C; Từ 1 - 2 ngày nữa tăng từ 38 lên 50 độ C, giữ nguyên đến khi hạt khô.

 

Quả măcca sau khi được sấy khô.

Với các vùng trồng có quy mô rộng lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại và khép kín thì có thể tiến hành thêm một số bước: bóc vỏ hạt sau khi sấy khô, chia thành nhóm hạt nguyên và hạt vỡ, sau đó tiếp tục phân cấp thành 8 loại kích cỡ khác nhau (đặt tên từ Style 0 đến Style 8).

Cây mắcca có giá trị kinh tế cao, hội tụ nhiều cơ hội thuận lợi để mở ra một tương lai mới. Giống cây này đang được nhà nước quan tâm phát triển hướng tới để trở thành cây nông nghiệp chính của Việt Nam. Anh  Đỗ Trọng Học ở Như Xuân (Thanh Hóa),người đầu tiên đưa cây mắc ca về vùng đồi Như Xuân cho biết , nếu trồng măcca đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho năng suất trên 3 tấn/ha, với giá bán khoảng 95.000/kg.

                                                                                                                                                  Hải Yến