Phát triển thị trường khoa học, công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại, hội nhâp - 15:29 03/11/2022

Chia sẻ facebook

Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị“ Phát triển thị trường khoa học, công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”.

 

Toàn cảnh Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập"

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Giao thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam..; các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Tại 63 điểm cầu địa phương có lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các sở ngành liên quan.

Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang phát triển dựa trên 3 trụ cột là: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định, tình hình kinh tế thế giới có những khó khăn, nguy cơ suy thoái, ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Các nước đều phải có các công cụ để can thiệp, điều hành, kiểm soát rủi ro của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ tập trung vào các trọng tâm chỉ đạo, điều hành gồm “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”. Trong đó, 4 ổn định là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.Với phương châm đó, trong những tháng gần đây, Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị về phát triển các loại thị trường gồm: Thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động và hôm nay là Hội nghị về thị trường KH&CN.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy

phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc

 Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Theo Thủ tướng, thị trường KH&CN ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách có liên quan; thị trường KH&CN bước đầu được hình thành, phát triển và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và so với một số thị trường khác, thị trường KH&CN phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh…

Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 đã xác định: “Phát triển mạnh thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ…”.

Do vậy, phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, từ đó xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường KH&CN. Với mong muốn, thị trường này thực sự trở thành con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, biến KH&CN thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế.


 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Thị trường KH&CN nước ta vẫn đang ở dạng sơ khai, còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới rất lớn. Trong đó, hoàn thiện thị trường KH&CN là giải pháp trọng tâm, lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng đã nêu ra bảy giải pháp, trong đó có phát triển hạ tầng quốc gia cho thị trường KH&CN. Theo đó, Việt Nam sẽ hình thành và vận hành ba sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại ba miền đất nước. Đây là tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, nhằm kết nối cung - cầu; thương mại hóa kết quả nghiên cứu; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trưng bày, trình diễn, triển lãm, xúc tiến giao dịch sản phẩm KH&CN. Theo Bộ trưởng, cần đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng thông tin về thị trường KH&CN; đầu tư phát triển và ứng dụng các công cụ phân tích, thống kê, xử lý dữ liệu giao dịch công nghệ, quản trị và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, số hóa, tích hợp dữ liệu. Bên cạnh đó, cần thiết lập mạng lưới kết nối và đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu nhân tài người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KH&CN Việt Nam.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ; phân tích xu hướng công nghệ; thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tăng năng suất lao động. Nguồn cung, các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến sẽ được hình thành, ưu tiên từ nước phát triển; liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với thị trường hàng hóa, lao động, tài chính. Doanh nghiệp được hỗ trợ nắm vững tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ phục vụ hoạt động thương thảo, giao dịch, mua bán; hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. "Chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp phụ trợ trong nước sẽ được xây dựng".

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường KH&CN ở Việt Nam; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KH&CN; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau. Đặc biệt, các đại biểu tìm câu giải đáp trước thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào, nhưng hàng hóa KH&CN vẫn rất hạn chế; nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa KH&CN.

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam nhấn mạnh: Hội nghị ngày hôm nay chính là phản ánh lời kêu gọi của Thủ tướng về tầm quan trọng và đóng góp của KH&CN trong việc giải quyết những vấn đề thách thức về kinh tế-xã hội. “Thông qua đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể trở nên giàu có thịnh vượng”.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng, xây dựng được môi trường pháp lý có thể hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo đang là thách thức lớn dù ở Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác. Để đạt được chính sách nhất quán, có rất nhiều cơ quan đang tham gia xây dựng chính sách KH&CN, tuy nhiên đôi khi quy định còn chồng lấn. Những thách thức này có thể cản trở đổi mới sáng tạo để đưa ra sáng kiến mới cho thị trường. Tôi hiểu ở Việt Nam có câu nói "thất bại là mẹ thành công", có nghĩa chúng ta chấp nhận thất bại và học hỏi thất bại để có tiền đề của thành công. Tinh thần này nên được thể chế hóa và khuyến khích ở tất cả các cấp độ.

Đồng quan điểm trên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: cần có cơ chế để cho phép sai và phải tổ chức hoàn chỉnh thị trường KH&CN. Không phải bán cái ta có mà phải bán cái thị trường cần, bán cái thị trường chưa cần, nhưng thị trường sẽ cần.

Cùng chia sẻ đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội trường và ý kiến phát biểu tại các đầu cầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho rằng, việc huy đồng nguồn lực tài chính đầu tư cho KH&CN trong thời gian qua mặc dù có cố gắng nhưng chưa được nhiều đặc biệt là nguồn lực xã hội. Thời gian tới để phát triển KH&CN của đất nước xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cần huy động tổng lực nguồn lực cho KH&CN. Thứ trưởng cũng chia sẻ Bộ Tài chính đang nghiên cứu điều chỉnh văn bản liên quan đến quỹ KH&CN của doanh nghiệp, sửa đổi Nghị định 70 hướng dẫn Luật quản lý và sử dụng tài sản công theo hướng khuyến khích thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp mà không phải bồi hoàn kinh phí.

Đại diện các bộ, ngành, tổ chức, các nhà khoa học thảo luận về tổ chức trung gian, môi giới, kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hóa KH&CN; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế; về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN; giải pháp để tăng cường vai trò của Nhà nước trong định hướng, điều tiết và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường KH&CN phát triển trong thời gian tới.

Trên cơ sở phân tích kết quả, hạn chế, nguyên nhân, nhận định tình hình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường KH&CN trong thời gian tới. Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc các ý kiến, sớm hoàn thiện và trình ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp về một số định hướng, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường KH&CN. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức cần phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN; tăng cường xúc tiến thị trường KH&CN tại các thị trường có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức trung gian và đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về thị KH&CN; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu phát triển thị trường KH&CN, đổi mới sáng tạo; khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển thị trường KH&CN...

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong phát triển KH&CN nói chung và phát triển thị trường KH&CN nghệ nói riêng. Các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua hệ thống, mạng lưới của mình, cần tham gia thiết thực, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao, công nghệ xanh cho các tổ chức, cá nhân trong nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

  Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN