KỸ THUẬT TRỒNG NẤM LINH CHI ĐỎ ĐẠT NĂNG SUẤT CAO - 15:05 20/01/2016

Chia sẻ facebook

Nấm linh chi tên khoa học là Ganoderma lucidum thuộc họ nấm lim, được phát hiện cách đây 2000 năm, là một trong những loại nấm có tác dụng rất lớn trong y học và đặc biệt có giá trị kinh tế cao.

Để nhân rộng và phát triển mô hình trồng nấm Linh chi trên địa bàn tỉnh; đồng thời, từng bước hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con nông dân, năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học - Viện di truyền nông nghiệp thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại Thanh Hóa”. Mục tiêu cụ thể của dự án là hoàn thiện quy trình công nghệ trồng, chế biến nấm. Dự án hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng nấm linh chi phân tán tại các huyện Nga Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương...

Quy trình trồng và chăm sóc nấm Linh chi bao gồm các giai đoạn sau:

Thời vụ trồng

          Thời vụ trồng nấm Linh chi phát triển tốt bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 10.Có thể trồng từ 3 đến 4 vụ trong một năm và 3 đến 4 tháng trong một vụ.

Giai đoạn 1: Chuẩn bị nguyên liệu trồng nấm Linh chi đỏ

Linh chi sử dụng nguyên liệu chủ yếu là mùn cưa tươi, khô của các loại gỗ mềm, không có tinh dầu và độc tố. Ngoài ra, còn có thể trồng Linh chi từ nguyên liệu là thân gỗ, các cây thuốc họ thân thảo.

Bước 1: Phương pháp xử lý nguyên liệu mùn cưa

Ngoài mùn cưa, cần bổ sung thêm nhiều phụ gia, phối trộn thêm nhiều chất dinh dưỡng vi khoáng chất tự nhiên như: bột cám, bột ngô, MgSO4,vôi, CaCO3, sử dụng nguồn nước phải sạch (nước sinh hoạt).

Phối trộn nguyên liệu đồng nhất để chuẩn bị khâu ủ mạt cưa, ủ mạt cưa để lên men tỏa nhiệt làm phân giải chất sơ và bay hơi các tinh dầu có trong mạt cưa, giúp nguyên liệu có điều kiện thấm nước, các vi khuẩn phân hủy làm diệt bớt mầm bệnh gây nhiễm bệnh có trong nguyên liệu.

Nên sàn lượt các tạp chất trong mạt cưa để dễ hấp thu nước và tránh bị rách bịch. Ủ phôi nấm nhanh trong vòng 6 giờ trở lên,không nên ủ thời gian quá 30 ngày.

Bước 2: Đóng bịch

-         Yêu cầu đóng bịch phải thật chặt tay, không để lỏng sao cho khối lượng túi từ 1,2kg đến 1,5 kg, trọng lượng phôi nấm phải đủ không nên quá dư hoặc quá thiếu. Mục đích đóng bịch là không làm cho tơ chất bị đứt ,bị nhiễm bệnh do môi trường và khi di chuyển.

-         Dùng que soi nấm để tạo lỗ nông tiện khi cấy giống tránh làm cho tơ nấm bị va chạm.

-         Sử dụng túi nilong có kích cỡ 19 đến 20 đóng mạt cưa xong tiến hành làm cổ, dùng nút nhựa làm cổ sau đó nhét bông gòn vào miệng bịch không cho thấm sau đó đem liền đi hấp thanh trùng.

Bước 3: Thanh trùng mùn cưa

Thanh trùng mùn cưa có 2 phương pháp

Phương pháp 1: Bịch mùn cưa đóng xong thì đưa vào lò hấp cách thủy ở 10000C, trong vòng 8-12 tiếng; sau đó để nguội cho nhiệt độ hạ xuống khoảng 70-8000 C thì cho bịch ra ngoài.

Phương pháp 2: Thanh trùng bằng nồi áp suất ở nhiệt độ 119-1260C (áp suất đạt 1,2-1,5at) trong thời gian 90-120 phút.

Giai đoạn II: Phương pháp cấy giống nấm linh chi đỏ

Bước 1: Chuẩn bị

Phòng cấy: Phòng cấy giống phải sạch (được thanh trùng định kỳ bằng bột lưu huỳnh).

Dụng cụ cấy giống: Que cấy, panh kẹp, đèn cồn, bàn cấy, cồn sát trùng…

Nguyên liệu: Đã được thanh trùng.

Giống: Sử dụng hai loại giống chủ yếu là trên hạt và trên que gỗ. Giống phải đúng tuổi, không bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn, nấm dại…

Bước 2: Cấy giống: Có 2 phương pháp

Cấy giống trên que gỗ: Với phương pháp này cần tạo lỗ bịch phôi giống có đường kính 1,8-2 cm sâu 15-17 cm. Khi cấy giống phải đặt túi nguyên liệu gần đèn cồn và túi giống, sau đó gắp từng que ở túi giống cấy vào túi nguyên liệu.

Sử dụng giống linh chi cấy trên hạt: Dùng que cấy khều nhẹ giống cho đều trên bề mặt túi nguyên liệu. Lượng giống: 10-15gam giống cho 1 túi nguyên liệu (1 túi giống 300 gam cấy đủ cho 25-30 túi nguyên liệu).

Lưu ý: Giống cấy phải đảm bảo đúng độ tuổi. Trước khi cấy giống phải dùng cồn lau miệng chai giống. Trong quá trình cấy, chai giống luôn phải để nằm ngang. Sau khi cấy giống phải đậy lại bằng nút bông và vận chuyển túi vào khu vực ươm. Nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ phòng cấy giống.

III. Phương pháp ươm túi

1.     Chuẩn bị khu vực ươm

– Bịch nấm sau khi cấy chuyển ngay vào phòng ươm. Nhà ươm sợi nấm Linh chi phải sạch, khô, thông thoáng tốt, ánh sáng yếu, độ ẩm từ 75% đến 85%, nhiệt độ khống chế từ 20 – 300C.

2.     Phương pháp ươm túi:

Chuyển nhẹ nhàng vào nhà ươm và đặt trên các giàn giá hoặc xếp thành luống. Khoảng cách giữa các túi là 2-3cm. Giữa các giàn luống có lối đi để kiểm tra. Trong thời gian ươm không được tưới nước, hạn chế tối đa việc vận chuyển. Trong quá trình sợi nấm phát triển nếu thấy có túi bị nhiễm cần phải loại bỏ ngay khỏi khu vực ươm, đồng thời tìm nguyên nhân để có cách khắc phục. Túi bị nhiễm bề mặt phần lớn do thao tác cấy và phòng giống bị ô nhiễm.Túi bị nhiễm từng phần hoặc toàn bộ có thể do bị thủng hoặc hấp vô trùng chưa đạt yêu cầu.

– Sau khi sợi nấm ăn khoảng 2/3 bịch thì bắt đầu thay nút bông và tiếp tục để trong khu vực ươm cho đến khi sợi nấm ăn kín hết bịch và bắt đầu ra quả thể thì chuyển nấm đến khu vực nuôi trồng ngoài vườn.

IV. Phương pháp chăm sóc, thu hái nấm linh chi đỏ

Trong quá trình chăm sóc, thu hái nấm linh chi đỏ có 2 phương pháp sau:

Phương pháp phủ đất:

Khi sợi nấm đã ăn kín khoảng ¾ túi thì gỡ bỏ nút bông, mở miệng túi, phủ lên trên bề mặt một lớp đất có chiều dày 2-3cm.

Chăm sóc nấm linh chi đỏ sau khi phủ đất:

Nếu đất phủ khô cần phải tưới rất cẩn thận (tưới phun sương) để đất ẩm trở lại. Tuyệt đối không tưới nhiều, nước thấm xuống nền cơ chất sẽ gây nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến quá trình hình thành quả thể nấm. Trong thời gian 7-10 ngày đầu (kể từ lúc phủ đất) cần duy trì độ ẩm không khí trong nhà đạt 80-90% bằng cách tưới nước thường xuyên trên nền nhà.

Khi quả thể nấm linh chi đỏ bắt đầu hình thành và nhô lên trên mặt lớp đất phủ cần duy trì độ ẩm liên tục như trên cho đến thời điểm thu hái được. Thời gian từ khi nấm lên đến lúc thu hoạch kéo dài khoảng 65-70 ngày. Khi đó ngoài việc duy trì độ ẩm trong phòng thì ta còn phải tưới phun sương nhẹ trực tiếp trên bề mặt đất phủ 1-3 lần trong ngày tuỳ theo thời tiết . Việc chăm sóc như trên kéo dài liên tục cho tới khi viền màu trắng trên mũ nấm không còn nữa, lúc đó nấm đến tuổi thu hái.

 

Phương pháp không phủ đất: Cách rạch túi và tưới nước:

Kể từ ngày cấy giống đến khi rạch túi (khoảng 25 – 30 ngày) sợi nấm đã ăn kín ¾ túi. Tiến hành rạch 2 vết rạch sâu vào trong túi 0,2 – 0,5cm, đối xứng trên bề mặt túi nấm. Đặt túi nấm trên giàn cách nhau 2 – 3cm để nấm ra không chạm nhau. Từ 7 – 10 ngày đầu chủ yếu tiến hành tưới nước trên nền nhà, đảm bảo độ ẩm 80 – 90%, thông thoáng vừa phải.  Khi quả thể nấm bắt đầu mọc từ các vết rạch hoặc qua nút bông thì ngoài việc tạo ẩm không khí, có thể tưới phun sương nhẹ vào túi nấm mỗi ngày từ 1 – 3 lần (tùy theo điều kiện thời tiết). Chế độ chăm sóc như trên được duy trì liên tục cho đến khi viền trắng trên vành mũ quả thể không còn nữa là hái được.

Cách thu hái: Dùng dao hoặc kéo sắc chân nấm sát bề mặt túi. Quả thể nấm sau khi thu hái được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 40 – 45 độ C. Độ ẩm của nấm khô dưới 13%, tỷ lệ khoảng 3kg tươi được 1 kg khô. Khi thu hái hết đợt 1, tiến hành chăm sóc như lúc ban đầu để tận thu đợt 2. Năng suất thu hoạch đạt 6 – 9% tươi, tương đương 1,8 – 3% khô (1 tấn nguey6 liệu thu được từ 18 – 30kg nấm Linh Chi khô). Khi kết thúc đợt nuôi trồng cần phải vệ sinh và thanh trùng nhà xưởng bằng foocmôn với nồng độ 0,5 – 1%.

3.     Quy trình sấy nấm linh chi đỏ bằng lò sấy

– Xếp quả thể nấm linh chi đỏ vào khay sấy theo từng loại, nấm to, dày để gần nguồn nhiệt, hàng khay nấm mỏng, nhỏ để xa nguồn nhiệt.

– Sau khi xếp đủ lượng nấm linh chi đỏ vào lò, ban đầu sấy ở nhiệt độ 35 – 400C, trong thời gian 1 – 4 giờ để tránh tạo lớp vỏ cứng.

– Sang giai đoạn làm khô, mỗi giờ tăng 20C tới khi đạt 550C. Theo đà giảm của lượng nước bốc hơi và nhiệt độ ta đóng dần cửa gió.

– Đến giai đoạn sấy khô ta duy trì ở nhiệt độ từ 45 – 500C trong 1 – 2 giờ đóng hoàn toàn cửa gió.

4.     Đóng bao nấm linh chi đỏ và bảo quản sản phẩm khô

– Thông thường sau khi sấy khô nấm linh chi đỏ đến độ ẩm 13%, cho nấm đã sấy khô vào bao bì có 2 lớp bao nilon, 1 lớp chứa đựng khoảng 10 kg/bao. Buộc miệng túi 3 lần: 2 lần xoắn chặt và buộc miệng bao nilon để chống lọt không khí ẩm vào trong, 1 lần buộc miệng bao chứa ngoài.

– Bảo quản nấm linh chi đỏ đã sấy trong kho thoáng, khô, không xếp chồng quá cao làm nát vụn nấm. Thường xuyên kiểm tra mốc, hút ẩm. Định kỳ tiến hành xông diêm sinh để chống mốc.

– Nguyên tắc chung khi sấy nấm linh chi đỏ phải khô dứt điểm trong khoảng thời gian 24 giờ kể từ lúc hái nấm tươi. Nếu để qua ngày nấm linh chi đỏ sẽ bị hư và khi sấy khô có màu đen, mùi khó chịu, không đảm bảo chất lượng.

 

     

Sản xuất phôi nấm linh chi tại Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa.

Sau khi áp dụng quy trình trồng và chăm sóc nấm linh chi của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa, anh Hoàng Văn Nguyên, thôn 8, xã Nông Trường (Triệu Sơn) đã quyết định ghắn bó với nghề trồng nấm linh chi đỏ. Tính đến vụ xuân năm 2015, với gần 800kg nấm hoàn thiện, anh đã thu về 400 triệu đồng. Hiện tại, mô hình trang trại nấm linh chi đỏ của anh Nguyênđang tạo việc làm cho 15 lao động thời vụ, với mức lương từ 2,5- 2,7 triệu đồng/người/tháng. Anh còn dự định sẽ đầu tư thêm vốn để thuê đất, mở rộng diện tích sản xuất, phấn đấu sản lượng nấm khô đạt 2 tấn/năm, nâng cao thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm cho bà con trong xã.

Tài liệu này chỉ mang tính chất giới thiệu, khi triển khai thực hiện thực tế, các tổ chức, cá nhân nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia và tài liệu khác).


Hải Yến (TT TTUDCG KHCN THANH HOA)