Kỹ thuật nuôi cá chép giòn - 10:23 05/07/2018

Chia sẻ facebook

Thời gian gần đây, cá chép giòn trở thành một món ăn 'khoái khẩu', được nhiều người yêu thích tại các nhà hàng, quán ăn; cá không còn vị tanh mà giòn tan, hấp dẫn.

Bí quyết để nuôi cá chép giòn rất đơn giản. Cá chép loại thường trước khi thu hoạch khoảng 3 - 5 tháng cho ăn một loại thức ăn đặc biệt đó là hạt đậu tằm (còn gọi là đậu ván đỏ, đậu răng ngựa), cá sẽ trở thành cá chép giòn. Da thịt cá trở nên săn chắc và khi ăn có độ giòn và hương vị đặc biệt. Dưới đây là các bước quy trình kỹ thuật nuôi cá chép giòn mang lại hiệu quả cao nhất.

Bước 1: Chuẩn bị ao, lồng nuôi

Ao, lồng nuôi nên bố trí, thiết kế ở những nơi có nguồn nước trong sạch, không có nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt chảy vào.

Đối với ao: Ao nuôi có diện tích từ 2.000 - 5.000 m2. Đáy ao được cải tạo, san bằng, nghiêng về cống thoát nước. Độ sâu của ao lớn hơn 2 m, độ sâu của mực nước từ 1,5 - 2 m. Nuôi cá chép giòn trong ao yêu cầu có thiết bị phụ trợ tạo dòng chảy, có thể dùng máy bơm hoặc bố trí quạt nước. Đây là yêu cầu quan trọng kích thích cá thường xuyên bơi lội, hoạt động để cho thịt cá nhanh giòn hơn.

Trước khi đưa cá vào nuôi cần tháo cạn nước, nạo vét bùn. Sau đó dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp; liều lượng dùng từ 7 - 10 kg/100 m2, phơi nắng 3 - 5 ngày. Ao sau khi cải tạo, cấp đủ lượng nước trong ao từ 1,5 - 1,8 m, nước cấp vào ao phải đảm bảo trong sạch, không bị nhiễm bẩn, hạn chế nước cấp bị vẩn đục.

 

Nuôi cá Chép giòn cho hiệu quả cao

            Khi nuôi cá chép giòn nguồn nước phải đảm bảo sạch, không bị nhiễm bẩn, hạn chế nước cấp bị vẩn đục.

Đối với lồng: Nếu lồng cá có diện tích lớn thì phải chọn những nơi có độ sâu 3,5 - 4 m. Lồng được đặt nổi và neo cố định tại một vị trí thuận lợi trên sông, có dòng nước chảy liên tục, mực nước sông tương đối điều hoà và phải cao hơn chiều cao ngập nước của lồng từ 0,3 - 0,5 m.

Bước 2: Chọn và thả giống

Phương pháp thả: Trước khi tiến hành các thao tác như vận chuyển đến ao, lồng nuôi mới hoặc san thưa, cần tiến hành ép cá bằng phương pháp cho cá nhịn ăn khoảng 1 ngày. Chuyển cá vào lúc trời mát, sáng sớm hoặc chiều tối.

Cá đưa vào nuôi vây vẩy hoàn chỉnh, không xây xát, không mất nhớt, cỡ cá đồng đều. Trạng thái hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn; không có dấu hiệu bệnh.

Mật độ thả: Cá chép giòn có thể nuôi được 1 - 2 vụ/năm, thời gian 3 - 5 tháng/vụ; Cá được chọn nuôi có kích thước lớn từ 1,2 - 1,8 kg. Mật độ nuôi trong ao 0,5 - 1 con/m2, mật độ nuôi lồng 5 - 7 con/m3, tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc.

Cá chép nuôi khoảng 9 tháng khi đạt trên 1 kg, lúc này người nuôi mới vỗ béo bằng đậu tằm để quyết định độ giòn của thịt cá

Cách chế biến thức ăn: Trước khi tiến hành cho cá ăn, người nuôi phải ngâm hạt đậu tằm với nước từ 12-24 giờ (tùy theo nhiệt độ không khí), những hạt to phải cắt ra làm đôi. Sau đó đãi thật sạch và trộn với 1-2% muối, để trong thời gian 10 -15 phút rồi mới bắt đầu cho ăn. Đây là cách chế biến thức ăn khá phổ biến trong kỹ thuật nuôi cá chép.

Bước 3: Chăm sóc và quản lý

Chăm sóc

Cách cho ăn:Trong thời gian đầu, sau khi cho cá ăn đậu (chú ý không cho cá ăn cỏ) khoảng 3 tiếng kiểm tra xem cá có ăn hết hay không để điều chỉnh lượng thức ăn sao cho phù hợp. Lưu ý khi cho ăn, đậu có xu hướng chìm vì vậy cần cho cá ăn ít một và cho cá ăn tùy vào nhu cầu ăn của cá hàng ngày. Lượng thức ăn hàng ngày của cá khoảng 2 - 3% trọng lượng đàn cá nuôi.

Cho cá ăn 1 lần/ngày, thức ăn cho vào máng đặt ở đáy ao, lồng nuôi (máng làm bằng khung sắt có đường kính 6 cm, diện tích máng 4 - 5 m2, chiều cao máng 25 - 30 cm. Xung quanh máng được vây 2 lớp, 1 lớp lưới thép, 1 lớp lưới cước để ngăn đậu trôi ra ngoài). Trong quá trình sử dụng máng cần định kỳ vệ sinh máng ít nhất 2 lần/tháng để đảm bảo phòng bệnh cho cá nuôi được tốt hơn.

Chọn loại thức ăn: Để tạo độ giòn cho thịt cá thức ăn sử dụng loại đậu tằm (thường được nhập từ Trung Quốc) làm thức ăn cho cá. Trước khi cho cá ăn, ngâm đậu trong nước ít nhất 24 tiếng, để phòng bệnh cho cá rửa sạch đậu bằng muối ăn 1% (100 lít nước pha 1 kg muối ăn)

Quản lý

Quản lý lồng nuôi: Cần thường xuyên quản lý và theo dõi lồng nuôi. Do luôn ngập nước nên lồng nuôi có thể bị phá hoại bởi một số động vật thủy sinh. Nếu lồng bị hư hỏng thì cần phải sửa chữa hoặc thay mới.

Định kỳ vệ sinh lồng để loại bỏ các sinh vật bám, lắng đọng phù sa, bịt kín lưới lồng, làm giảm lưu thông nước trong lồng nuôi và ngoài môi trường nuôi. Cá có thể bị sốc do thiếu ôxy hòa tan và tích lũy các chất cặn bã, ảnh hưởng đến tính ăn và sinh trưởng của cá.

Quản lý môi trường ao nuôi: Thường xuyên duy trì mức nước trong ao nuôi có độ sâu theo thiết kế, quan sát biến đổi chất lượng nước, bổ sung nguồn nước mới đảm bảo đầy đủ ôxy và hạn chế các chất độc hại. Bật máy quạt nước hoặc dùng máy bơm bơm nước vào những ngày thời tiết âm u để phòng cá nổi đầu, đặc biệt là khi nửa đêm hoặc gần sáng.

Theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời với những dấu hiệu thay đổi của môi trường. Hàng ngày kiểm tra bờ ao, cống, mương để phát hiện và sửa chữa những hư hỏng. Duy trì dòng nước chảy trong ao, nhất là sau khi cho cá ăn được 1 - 2 giờ, tạo điều kiện cho cá bơi lội, tiêu hóa thức ăn và tạo độ giòn thịt cá được nhanh hơn. Luôn giữ lượng nước trong ao nuôi trên 1,5 m nước, đảm bảo trong sạch. Định kỳ thay nước vào những tháng cuối chu kỳ nuôi. Trong quá trình nuôi, định kỳ 20 - 30 ngày bón vôi 1 lần để xử lý môi trường, liều lượng 2 kg/100 m3 nước.

Bước 4: Kỹ thuật nuôi

Trong thời gian đầu không được cho cá ăn gì khác ngoài đậu tằm, và sau khi cho cá ăn đậu khoảng 3 tiếng thì kiểm tra xem cá có ăn hết hay không, hoặc ăn nhiều, ít để có kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn sao cho phù hợp.            

Hạt đậu tằm sẽ có xu hướng chìm nhanh, vì vậy khi cho cá ăn chỉ cần rải từng ít một để tránh lãng phí thức ăn, và cho cá ăn tùy vào nhu cầu ăn của cá hàng ngày.

Cách nuôi cá chép đúng là cho cá ăn 2 lần/ngày vào lúc 8 - 10h và 16 - 18h, thức ăn cho vào máng đặt ở đáy ao, lồng nuôi (máng làm bằng khung sắt có đường kính 6 cm, diện tích máng 4 - 5 m2, chiều cao máng 25 - 30 cm). Xung quanh máng được vây 2 lớp, 1 lớp lưới thép, 1 lớp lưới cước để ngăn đậu trôi ra ngoài.

Trong quá trình sử dụng máng cần định kỳ vệ sinh máng ít nhất 2 lần/tháng để đảm bảo phòng bệnh cho cá nuôi được tốt hơn.

Bước 5: Phòng bệnh

Định kỳ 1 tháng/lần bổ sung thêm Tiên Đắc I trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng 100 g thuốc/500 kg cá/ngày, cho ăn liên tục 3 ngày. Hoặc sử dụng tỏi xay nhuyễn với lượng 3 - 5 g/kg thức ăn. Ngoài ra có thể dùng Vitamin C, vitamin tổng hợp với liều lượng 30 mg/kg thức ăn.       

Kiểm tra cá trong ao, lồng nếu thịt cá đạt độ giòn nhất định thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 ngày cho cá nhịn ăn.

(Tài liệu này chỉ mang tính chất giới thiệu, khi triển khai thực hiện thực tế, các tổ chức, cá nhân nên tham khảo ý kiến chuyên gia và tài liệu khác)
                                                                         Hải Yến - Trung tâm Thông tin - Ứng dụng - Chuyển giao KH&CN