Kỹ thuật trồng ngô ngọt - 09:43 20/03/2019

Chia sẻ facebook

Giống ngô ngọt là giống lai đơn F1, phần lớn được sản xuất tại Thái Lan, nên rất phù hợp với thời tiết khí hậu nước ta. Mặt khác, nông dân Việt Nam đã quen với việc trồng ngô, nên trồng ngô ngọt yêu cầu kỹ thuật cũng không có gì khác biệt lắm. Hiện nay trên thị trường đang bán các giống ngô ngọt Sugar 75, Star Brix, Seminis.

Sau đây xin giới thiệu với bà con nông dân Kỹ thuật trồng giống ngô ngọt mang lại năng suất và chất lượng cao

Đặc điểm chung: Ngô ngọt có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 67-85 ngày tùy thời tiết). Cây cao 2-2,2 m, vị trí đóng bắp thấp, nên khả năng chống đỡ tốt. Ngô ngọt trồng được quanh năm, cho năng suất cao từ 650-800 kg/sào. Ngoài thu bắp, ngô ngọt còn cho một lượng thức ăn xanh từ 2,5-3 tấn/sào. Tính kháng bệnh cao.


Giai đoạn 1 

       1. Chuẩn bị đất:  Ngô ngọt có khả năng thích nghi rộng, đất càng màu mỡ càng cho năng suất cao. Chỉ cần chọn đất không bị ngập úng, gần nguồn nước để có thể chủ động cung cấp đầy đủ nước trong quá trình sinh trưởng, phát triển. Đất trồng ngô ngọt phải được cày sâu 18-20cm làm sạch cỏ, bừa phẳng, lên luống.

Mật độ: Mật độ gieo trồng phụ thuộc vào thời vụ và độ phì nhiêu của đất. Nhưng thường trồng với mật độ 1.600-1.800 cây/sào là tốt nhất. Hàng cách hàng 65-70 cm, cây cách cây 25x30 cm. 1 kg giống ngô ngọt trồng 4,5-5 sào Bắc bộ (8.000 - 9.000 hạt/kg).

      2. Gieo hạt: Có thể gieo hạt ngô ngọt trực tiếp xuống đất mà không cần ngâm ủ. Gieo hạt sâu 2-2,5cm. Sau khi gieo phải tưới nước thật ẩm cho đến khi hạt nảy mầm mới tưới lại. Chỉ cần gieo 1 hốc 1 hạt. Chú ý đề phòng kiến. Có nơi người ta ủ hạt trong khăn bông ẩm, đợi hạt nảy mầm mới đem ra trồng. Nhưng qua kinh nghiệm thực tế thì phương pháp ủ hạt trong cát ẩm là tốt nhất. Giống ngô ngọt nảy mầm chậm, có hạt 4-5 ngày mới nảy mầm, chỉ khi nào bóp thấy hạt đã thối nhũn mới bỏ đi. Để đảm bảo mật độ cần gieo 5% lượng giống dự phòng, nên gieo trước 1 ngày.

Giai đoạn 2: Chăm sóc

Việc chăm sóc ruộng ngô ngọt sau khi gieo cho đến thu hoạch, cũng giống như chăm sóc các giống ngô khác mà bà con nông dân đang trồng. Để có năng suất cao, cần tránh mọi nguy cơ mất cây, và tránh sự phát triển không đồng đều của ruộng ngô.

1.Bón phân

Bón lót: Phân chuồng là một yếu tố rất quan trọng, lượng phân chuồng hoai mục bón lót cần 500 kg/sào. Phân lân 12-15 kg/sào. Phân đạm 3-4 kg/sào.

Bón thúc:

·         Lần 1: Khi ngô 3-4 lá bón 3 kg N + 2 kg K/sào;

·         Lần 2: Khi ngô 7-8 lá bón 3 kg N + 2 kg K/sào;

·         Lần 3: Khi ngô 10-11 lá bón 3 kg N/sào.

Lượng phân và cách bón còn phụ thuộc vào tình trạng đất đai và tập quán của địa phương. Những diện tích chua (pH=4,5) cần bón lót vào rãnh hay hốc 30-40 kg vôi bột/sào.

        2. Tưới nước: Nước là yếu tố quan trọng nhất đối với ngô ngọt. Thời kỳ gieo hạt độ ẩm tốt nhất là 50%. Khi cây 3-4 lá cần tưới nước để giữ độ ẩm cho cây, có thể kết hợp pha loãng phân để tưới. Lúc cây 7-8 lá tưới nước đủ độ ẩm 70%. Chú ý khi ngô ngọt giai đoạn xoắn loa kèn, giai đoạn này bón thúc lần cuối, vun cao và tiến hành tưới nước. Nếu thời tiết này tưới nước bảo đảm đủ độ ẩm, năng suất có thể tăng từ 15-20%.

3.      Tỉa chồi và bắp

Ngô ngọt thường phát sinh nhiều chồi phụ, để đảm bảo chất lượng bắp thương phẩm, khoảng 3 tuần sau khi trồng bắt buộc phải tiến hành tỉa chồi. Khi dùng tay bẻ chồi phải cẩn thận để không ảnh hưởng đến thân bắp.

Ngô ngọt thường có 1 bắp chính và nhiều bắp phụ, do vậy cần tỉa bắp phụ để mỗi cây 1 bắp ở đốt cao nhất.

4.Trừ sâu bệnh: Phòng trừ sâu bệnh cho ngô ngọt như các giống ngô khác.

Giai đoạn 3: Thu hoạch

            Khác với các giống ngô thông thường, thời gian thu hoạch của ngô ngọt rất ngắn, chỉ trong 2-3 ngày. Khi nhìn các hạt ngô căng đều có màu vàng cam, râu hơi chớm héo thì thu hoạch. Nếu trồng để chế biến thì việc thu hoạch do cơ sở chế biến xác định.

Chú ý: Trồng ngô ngọt tránh giai đoạn trỗ cờ phun râu gặp thời tiết trên 37°C và dưới 15°C. Ngô ngọt nhất thiết chỉ để 1 trái bắp/cây.

(Tài liệu này chỉ mang tính chất giới thiệu, khi triển khai thực tế, các tổ chức, cá nhân nên tham khảo ý kiến chuyên gia và tài liệu khác).

                                                                                                                  Nguồn: Nguyễn Thị Yến